|
|
Đồng chí Võ Văn Kiệt (người thứ ba từ trái sang) góp ý cho quy hoạch thị xã Vĩnh Long. (Ảnh tư liệu) |
Một người con sâu nặng nghĩa tình với quê hương
Tham luận tại hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam” tổ chức ngày 22/11, tại TP Hồ Chí Minh, đồng chí Bùi Văn Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết: Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Vĩnh Long hiền hòa, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng, từ sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), đồng chí Võ Văn Kiệt đã rời quê hương, tham gia hoạt động cách mạng trên hầu khắp các chiến trường miền Nam. Sau khi đất nước thống nhất, được giao đảm nhiệm những trọng trách của Đảng và Nhà nước, trở thành người đứng đầu Chính phủ, dù bộn bề nhiệm vụ, đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn luôn dành tình cảm sâu nặng và tâm huyết cho quê hương.
Từ việc tích lũy những kinh nghiệm quý báu trong quá trình công tác của bản thân và những mô hình sản xuất kinh doanh, quản lý tốt ở trong và ngoài nước đều được đồng chí Võ Văn Kiệt truyền đạt, giới thiệu cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long.
Mỗi chuyến về thăm quê hương Vĩnh Long, đồng chí Võ Văn Kiệt đều đề nghị xuống thăm cơ sở, khi thì là một gia đình nông dân sản xuất giỏi xã Chánh An, huyện Mang Thít; lúc là bà con lao động thị trấn Vũng Liêm; đến tận nơi khảo sát việc phòng, chống lũ, bảo vệ vườn cây ăn trái các xã cù lao; nghe chuyện cạp bờ sông Cổ Chiên phát triển lò gạch, gốm sứ, xí nghiệp đóng tàu... Từ đó, đồng chí hiểu thêm những vấn đề đặt ra với các địa phương, đơn vị để có hướng giải quyết thiết thực.
Khi đã nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu, nhưng trong các dịp lễ, ngày truyền thống, đồng chí vẫn thường xuyên về thăm quê hương, thăm đồng đội cũ và những gia đình đã từng chở che cho mình trong những năm tháng ác liệt của hai cuộc kháng chiến. Đồng chí ân cần hỏi thăm về đời sống, nhắc chuyện ân nghĩa xưa, động viên con cháu học hành, công tác tốt, chăm lo sản xuất, như: thăm gia đình đồng chí Nguyễn Hiếu Tự, một trí thức, nhà báo, nguyên Bí thư Huyện ủy và là người lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ ở Tam Bình năm 1940; thăm và giúp đỡ bà Tạ Tú Xuân, con gái của đồng chí Tạ Uyên - nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, người đã kết nạp đồng chí vào Đảng...
Đồng chí quan tâm và có nhiều ý kiến thiết thực về công tác bảo tồn, bảo tàng, xây dựng khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; trăn trở về xây dựng Bảo tàng nông nghiệp lúa nước Đồng bằng sông Cửu Long và công viên Khởi nghĩa Nam Kỳ tại thị trấn Vũng Liêm để tri ân người xưa và tưởng nhớ biết bao đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc…
“Khi bao nhiệt huyết cống hiến cho quê hương, xứ sở vẫn còn đang cháy bỏng thì trái tim vĩ đại ấy đã ngừng đập. Sự ra đi của đồng chí là một mất mát vô cùng to lớn của Đảng và dân tộc nói chung, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Đồng chí ra đi khi vùng Đồng bằng sông Cửu Long mang nặng ân tình đồng chí dày công chăm lo, vun đắp đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu to lớn; những công trình đồng chí từng trăn trở và dành tâm huyết xây dựng nên đang không ngừng phát huy hiệu quả trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm chia sẻ.
Dũng cảm đi tiên phong phá bỏ cơ chế quản lý không phù hợp
|
|
Giám đốc Công ty cơ điện lạnh Nguyễn Thị Mai Thanh tiếp xúc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong buổi gặp mặt các nhà doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tự Trung) |
Sinh ra, lớn lên ở Vĩnh Long, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt lại gắn bó nhiều năm với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây đã ghi dấu sự kiên trung, nhiệt huyết, tài năng, sự năng động, sáng tạo, hết lòng vì nước, vì dân của người cộng sản Võ Văn Kiệt. Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh cũng chính là nơi góp phần trui rèn đồng chí trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước.
Với tiêu đề "Đồng chí Võ Văn Kiệt con người của đổi mới ở Việt Nam", tham luận tại hội thảo của GS.TS Mạch Quang Thắng nhấn mạnh, đồng chí Võ Văn Kiệt, trên cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lại thể hiện tư duy đổi mới sắc sảo tiếp tục thể hiện đặc tính của ông, một con người năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khỏi phải nói vị trí, vai trò quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh như thế nào sau năm 1975. Điển hình nhất cho tư tưởng đổi mới của đồng chí Võ Văn Kiệt ở hai việc: Giải quyết vấn đề lương thực (gạo) và “xé rào” cơ chế. Sau 30/4/1975, lương thực của Thành phố Hồ Chí Minh không đủ ăn trong khi kề bên là vựa lúa đồng bằng miền Tây, chưa bao giờ hơn 4 triệu dân Thành phố Hồ Chí Minh bị khổ về cái ăn đến như vậy: phải dùng hàng vạn tấn khoai lang, khoai mì, bo bo thay cho lượng gạo. Đồng chí Võ Văn Kiệt thẳng thắn và dứt khoát tuyên bố: “Không để một người dân nào chết đói”. Nói thì dễ nhưng làm mới khó.
Với bản lĩnh và tư duy đổi mới, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đi tới quyết định “xé rào”. Đương nhiên là có sự bàn bạc tập thể. Nhưng tập thể gì thì tập thể, phải có người khởi xướng và chịu trách nhiệm chính. Đồng chí Võ Văn Kiệt là người như thế, đi tiên phong và chịu trách nhiệm không những trước Đảng mà còn trách nhiệm với nhân dân. Bây giờ ngồi lại để đưa ra những nhận định, đánh giá này nọ thì dễ những lúc đó quả thật rất khó.
Sự kiện đồng chí Võ Văn Kiệt với sự lo gạo của bà Ba Thi là thí dụ điển hình nhất của việc "xé rào", trăn trở và đầy trách nhiệm đúng với tên gọi thân mật Nam bộ “Sáu Dân” của đồng chí Võ Văn Kiệt. Tính cách của ông Sáu Dân là quyết liệt, quyết liệt và quyết liệt, nhưng đầy tình nghĩa khi có dự tính nếu "xé rào" để giải quyết vấn đề gạo cho dân mà bà Ba Thi bị đi tù thì đồng chí Võ Văn Kiệt nói rằng ông sẽ mang cơm nuôi bà Ba Thi trong tù. Cơ chế - cái cơ chế đó được sinh ra từ đâu? Là do từ con người, là do từ Đảng và Nhà nước, nhưng để phá nó không dễ, nó cần tới 3 điều: (1) Con người có bản lĩnh phá tan nó; (2) Con người ấy phải biết cách phá, biết chọn những người đi phá cùng mình; (3) Con người biết kiên nhẫn giải thích và biết chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân, không tự tư tự lợi. Đó chính là con người đồng chí Võ Văn Kiệt. Một cơ chế quản lý phân phối thị trường hoàn toàn không phù hợp một tý nào trong thời bình mà vẫn cứ được giữ và chỉ có những người có bộ óc thực tế, gần dân, sát dân mới đưa đến những quyết định lịch sử “xé rào”, xé toang những cái cũ kỹ, lạc hậu để không những nhân dân, mà còn Trung ương Đảng, trong đó có những đồng chí lãnh đạo chủ chốt nhất của Đảng, tổng kết lại thành đường lối đổi mới.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định, Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại cho đời một gia tài đồ sộ, một khối di sản lớn lao mang ý nghĩa lịch sử và thời đại. Khi mọi người nhắc về "chú Sáu Dân" cũng đều thầm mong đất nước có nhiều người như chú Sáu. Điều đó nhắc nhở rằng, các thế hệ nối tiếp phải biết tự học, học thật, làm thật, sống thật với nhân dân, với Đảng.
Học tập và noi theo tấm gương đồng chí Võ Văn Kiệt, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long cùng Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực phát huy truyền thống tốt đẹp, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.