Ảnh minh hoạ

Tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, UBND TP  trình HĐND TP tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 13/2020 của HĐND TP  về chương trình giảm nghèo bền vững TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2025.

UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất HĐND TP Hồ Chí Minh sửa đổi tiêu chí đo lường nghèo đa chiều. Trong đó, bổ sung tiêu chí thu nhập là 46 triệu đồng/người/năm. Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm 6 dịch vụ gồm: y tế; giáo dục; việc làm bảo hiểm xã hội; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.

Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (13 chỉ số), gồm: dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; việc làm; bảo hiểm xã hội; người phụ thuộc trong hộ gia đình; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2021-2025. Trong đó, chuẩn hộ nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/năm từ 46 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Chuẩn hộ cận nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/năm từ 46 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Chuẩn hộ có mức sống trung bình là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người trên 46 triệu đồng đến 69 triệu đồng/người/năm".

UBND TP dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình là 15.144 tỷ đồng. Trong đó, bổ sung cho 2 năm 2024, 2025 là 2.877 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện là từ kinh phí huy động để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững TP Hồ Chí Minh và nguồn vốn từ các chương trình cho vay của đoàn thể chính trị - xã hội cùng các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP./..

Tường Vy