Chiều 1/7, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 2024. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì Phiên họp.

Phát biểu định hướng, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho biết phiên họp này nhằm sơ kết tình hình kinh tế - xã hội Thành phố 6 tháng đầu năm; bàn nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; Thực hiện chủ đề năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng

Chủ tịch UBND Thành phố gợi ý 3 nội dung cần tập trung thảo luận. Đó là trong 6 tháng cuối năm 2024, các sở ban ngành Thành phố, thành phố Thủ Đức và quận, huyện tập trung hết sức để tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn, cản trở để thúc đẩy tăng trưởng. Tăng trưởng của quý I, quý II và bình quân 6 tháng đầu năm là hơn 6,4%; quý III phải vượt lên trên 7% và quý IV phải vượt lên nữa thì mới có thể đạt được tăng trưởng cả năm là 7,5%-8%. Cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính quyền Thành phố từ UBND Thành phố đến các sở ban ngành và UBND các quận huyện phải tập trung các biện pháp tháo gỡ để thúc đẩy tăng trưởng. Những vướng mắc về đầu tư, kể cả đầu tư công và đầu tư tư nhân phải tháo gỡ ngay.

Thứ hai là thực hiện chủ đề năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”, cần chọn trọng tâm và đột phá để đi vào chiều sâu. Từ nay đến cuối năm chuyển đổi số phải xác định điểm đột phá, những yếu tố nền tảng. Sau 1 năm triển khai Nghị quyết số 98 được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2023, cần xác định những nội dung gì Thành phố làm được, những nội dung Thành phố mong muốn được làm đã làm được chưa, ví dụ như phân cấp phân quyền nhiều hơn cho sở ngành, thành phố Thủ Đức và quận huyện chưa, và sau khi phân cấp các đơn vị đã thực hiện chưa?

Thứ ba là Hội nghị Thành ủy vừa có Kết luận, trong đó có nội dung chỉ đạo rà soát lại các chỉ tiêu chính, các nhiệm vụ, giải pháp đặc biệt là 49 chương trình, đề án trọng điểm về kinh tế - xã hội. Qua rà soát ban đầu cho thấy có 6/23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phải tập trung thực hiện đạt kết quả cao nhất từ nay đến cuối năm 2024; trong 49 chương trình, dự án cần tập trung những dự án nào cùng với kế hoạch triển khai Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về Đông Nam Bộ và Nghị quyết 31 về TP.Hồ Chí Minh. Từ nay đến năm 2025 tập trung hoàn thành hồ sơ các dự án sẽ khởi công hoặc khánh thành để đến Đại hội lần thứ XII của Đảng bộ Thành phố có thể trả lời là hoàn thành những chỉ tiêu nào.

Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về 3 nội dung trên và giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng tăng 5,6%, cao nhất trong 3 năm gần đây

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,46%, cao hơn 2,91 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023 (6 tháng năm 2023 tăng 3,55%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,18% so với cùng kỳ; công nghiệp, xây dựng tăng 5,55%; khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 7,26% so với cùng kỳ. Dự ước vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm đạt 18,2% so với GRDP.

Bước qua tháng 6, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn diễn ra sôi nổi với nhiều chương trình được thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong mùa du lịch hè. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng dự ước tăng trưởng khá với mức tăng 10,0%, trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 10,2%, lưu trú và ăn uống tăng 8,1%, dịch vụ lữ hành tăng 63,3% và dịch vụ khác tăng 7,2%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 22,56 tỷ USD, tăng 13,1% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 22,4%). Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 4,6% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 24,2%).

Tổng doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt 92.643 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 48,8% so với kế hoạch năm 2024; Khách du lịch nội địa đến TP.Hồ Chí Minh ước đạt trên 17 triệu lượt, tăng 4,4% so cùng kỳ năm 2023, đạt 45,1% so với kế hoạch năm 2024; khách quốc tế đến TP.Hồ Chí Minh ước đạt trên 2,6 triệu lượt, tăng 38% so cùng kỳ năm 2023, đạt 44,6% so với kế hoạch năm 2024.

Khối lượng vận tải hành khách công cộng 6 tháng đầu năm đạt 236,2 triệu lượt hành khách, tăng 21,1% so với cùng kỳ 2023, đạt 49,5% so với kế hoạch năm 2024. Số lượt hành khách bằng đường thủy ước đạt 15,03 triệu lượt hành khách, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng hành khách đi và đến Thành phố bằng đường sắt ước đạt 493.610 lượt hành khách (giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023); số lượng hành khách đi và đến tại sân bay Tân Sơn Nhất ước đạt 21.147.438 lượt hành khách (tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023).

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 6 tháng đầu năm ước đạt 92,48 triệu tấn, tăng 14,26% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng hàng hóa thông qua đường thủy nội địa ước đạt 34,56 triệu tấn, tăng 16,65% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 6/2024 ước đạt 3.575.700 tỷ đồng, tăng 1,0% so với cuối năm 2023 và tăng 8,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiền gửi VNĐ chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm 91,2% tổng nguồn vốn huy động.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,0% so với cùng kỳ, thấp hơn 0,6 điểm % so với IIP toàn ngành công nghiệp; trong đó, ngành hóa dược tăng 21,1%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 1,3%; ngành cơ khí giảm 1,7%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 5,4%.

Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 5.028,9 tỉ đồng (tăng 0,2% so cùng kỳ); trong đó, giá trị sản xuất các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực và tiềm năng chiếm tỷ trọng khoảng 73% trên tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Về tình hình thực hiện vốn đầu tư công, theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước Thành phố, tính đến ngày 21/6, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của Thành phố đã giải ngân là 8.194,997 tỷ đồng, đạt 10,3% tổng kế hoạch vốn được giao; dự kiến theo kế hoạch đến cuối tháng 6 giải ngân ước đạt 15,7%.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 264.456,429 tỷ đồng, đạt 54,77% dự toán, tăng 16,02% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) là 37.292,974 tỷ đồng, đạt 24,87% dự toán, đạt 99,76% so cùng kỳ.

Đối với công tác cải cách hành chính, Thành phố đã ban hành các Quyết định về: Kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn Thành phố năm 2024; sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ tại Kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn Thành phố năm 2024; việc phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính của sở, ban, ngành, UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện năm 2023; ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra, khảo sát việc thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2024; các Kế hoạch về: thí điểm áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng 5S trong các cơ quan nhà nước; thực hiện công tác tự đánh giá, chấm điểm xác định Chỉ số cải cách hành chính của Thành phố năm 2023…

Nhằm tiếp tục cải thiện kết quả điểm và thứ hạng của Chỉ số cải cách hành chính trong năm 2024, Thành phố ban hành Kế hoạch khắc phục hạn chế, cải thiện Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) trên địa bàn Thành phố năm 2024.

Về đấu tranh phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội; Công an Thành phố tiếp tục tăng cường lực lượng đấu tranh, răn đe, triệt phá các loại tội phạm; đặc biệt là tội phạm có tổ chức, băng ổ nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm công nghệ cao…  Trong 6 tháng đầu năm, tình hình tội phạm được kiềm chế, kéo giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Về tình hình cháy nổ, ghi nhận xảy ra 234 vụ cháy, làm chết 10 người, bị thương 3 người; thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền khoảng 5,046 tỷ đồng (so với cùng kỳ giảm 11 vụ, tương ứng 4,93%; tăng 08 người chết, giảm 01 người bị thương).

Về tình hình trật tự an toàn giao thông, ghi nhận xảy ra 691 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 183 người, bị thương 466 (so với cùng kỳ tăng 15 vụ, tương ứng 2%; giảm 101 người kết, tương ứng giảm 36%; tăng 80 người bị thương, tương ứng 21%); không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt và tai nạn giao thông đường thủy nội địa./..

CM