Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng tham dự Hội nghị.

Chủ trì Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng và ông Katayama Yasutaka, Phó Thống đốc tỉnh Hyogo. Tham dự hội nghị về phía TP Hồ Chí Minh có 11 đại diện Sở - ngành và 18 doanh nghiệp TP thuộc các lĩnh vực logistics, lương thực thực phẩm, công nghệ thông tin, hạ tầng khu công nghiệp; 45 đại diện của Sở - ngành và doanh nghiệp tỉnh Hyogo.


Mở đầu Hội nghị, ông Katayama Yasutaka, Phó Thống đốc tỉnh Hyogo bày tỏ vui mừng đón tiếp Đoàn Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp Việt Nam sang thăm và làm việc tại Nhật Bản. Thay mặt tỉnh Hyogo, Phó Thống đốc trân trọng cảm ơn Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã có những chỉ đạo xuyên suốt và thiết thực trong việc triển khai quan hệ hợp tác giữa hai địa phương, góp phần đưa mối quan hệ của hai địa phương ngày càng đi vào chiều sâu và đem lại hiệu quả cao hơn cho chính quyền và các doanh nghiệp. Theo ông Yasutaka, kể từ sau chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào năm 2017, quan hệ giữa hai quốc gia cũng như của tỉnh Hyogo và TP Hồ Chí Minh ngày càng phát triển. Số lượng công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam từ năm 2012 đến năm 2021 đã tăng gấp đôi. Đặc biệt có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tham dự các hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam.

Hiện nay, chính sách của Tỉnh Hyogo là hướng tới phát triển bền vững, phát triển kinh tế xã hội không dùng carbon. Do vậy hai thành phố đã phối hợp tổ chức chủ đề phát triển bền vững và đặc biệt là trong lĩnh vực logistics hôm nay. Theo ông, Việt Nam là một dân tộc cần cù của Châu Á và còn là tâm điểm của khu vực và thế giới. Ông hy vọng các doanh nghiệp tìm thấy cơ hội giao lưu và kinh doanh mới sau Hội nghị và mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Hyogo nói riêng luôn bền chặt, ngày càng phát triển.

Quan hệ kinh tế Nhật Bản - Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nishiura Mizuho, Đại diện Viện Nghiên cứu Nhật Bản đã giới thiệu về mối quan hệ kinh tế, giao thương sau gần 50 năm giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2022). Theo bà Mizuho, bên cạnh sự phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19, lạm phát vẫn ở mức cao do sự kéo dài của suy thoái kinh tế và chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ các nước. Tuy nhiên trong bối cảnh ấy, kinh tế Nhật Bản đạt mức tăng trưởng cao, trong đó có sự phục hồi trong tiêu dùng cá nhân (tập trung vào tiêu dùng dịch vụ); đầu tư vốn vẫn tiếp tục có xu hướng tăng, một phần do các khoản đầu tư liên quan đến khử cacbon.

Quan hệ kinh tế Nhật - Việt ổn định. Tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước gần như bằng nhau qua các năm. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam năm 2021 đạt hơn 2 nghìn tỷ yên, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2.4 nghìn tỷ yên (chiếm tỳ lệ 3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản). Riêng tỉnh Hyogo, kim ngạch xuất khẩu vào Việt Nam năm 2021 đạt 250 tỷ yên, kim ngạch nhập khẩu đạt trên 150.5 tỷ yên. Đối với tỉnh Hyogo, tỷ trọng xuất nhập khẩu của Việt Nam lớn hơn so với các nước còn lại, thể hiện mối quan hệ Việt – Nhật nói chung ngày càng đi vào thực chất.

TP Hồ Chí Minh – môi trường đầu tư hấp dẫn

Tính từ năm 1988 đến nay, Nhật Bản có hơn 1.546 dự án đầu tư, kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh, với tổng vốn hơn 5,5 tỷ USD, đứng thứ 3 trong 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại TP Hồ Chí Minh, chiếm 9,9% tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại TP Hồ Chí Minh. Hiện các nhà đầu tư Nhật Bản đang tập trung đầu tư vào các ngành như: công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; hoạt động kinh doanh bất động sản, thông tin và truyền thông. Riêng các doanh nghiệp tỉnh Hyogo đã đầu tư vào TP Hồ Chí Minh 34 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 22 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực khoa học công nghệ, logistics, thương mại, dịch vụ.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh đã thông tin về các thế mạnh của môi trường đầu tư của TP Hồ Chí Minh như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các cơ sở dịch vụ được đánh giá là tốt nhất của cả nước. Bên cạnh việc áp dụng các chính sách của Trung ương, TP Hồ Chí Minh đã chủ động thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, trong đó định kỳ hàng năm, TP Hồ Chí Minh đều có những diễn đàn trao đổi với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, từ đó có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp kịp thời; tích cực áp dụng công nghệ thông tin vào việc giải đáp các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp như vận hành Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố, Cổng thông tin điện tử Thương mại và Đầu tư. Trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh chủ trương thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc, bền vững, chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.

Định hướng phát triển ngành logistics TPHCM

Góp phần làm rõ Chủ đề “Hợp tác phát triển bền vững - ngành Logistics” của Hội nghị, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương đã giới thiệu về Định hướng phát triển ngành logistics TP Hồ Chí Minh.

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu hơn và rộng hơn về kinh tế; Việt Nam đã tham gia, ký kết 15 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và dần gỡ bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan, mang đến kỳ vọng mở rộng thị trường cho cả xuất khẩu - nhập khẩu và phân phối nội địa. Thương mại gia tăng sẽ là nhu cầu, là động lực cho sự phát triển của dịch vụ logistics và ngược lại. Trên cơ sở đó, TP đặt mục tiêu phải phát triển logistics trở thành 1 ngành dịch vụ mũi nhọn, với các mục tiêu cơ bản sau:

(1) Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030.

(2) Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%. Góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 - 15%.

(3) Đến năm 2025, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60% và đến năm 2030 đạt 70%.

(4) Đến năm 2025, tỷ lệ doanh nghiệp 3PL, 4PL chiếm 3% - 5% trong tổng số doanh nghiệp logistics TP Hồ Chí Minh, hướng đến hình thành đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt, có khả năng dẫn dắt thị trường dịch vụ logistics khu vực phía Nam và cả nước.

(5) Và đặc biệt, phải hình thành hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để làm nơi trung chuyển, kết nối các luồng hàng lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu.

Để đạt các mục tiêu nêu trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistics trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; với 6 nhiệm vụ chủ yếu gồm: Phát triển nguồn nhân lực, Phát triển hạ tầng, Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (chuyển đổi số); Xúc tiến cung ứng dịch vụ logistics, hợp tác, liên kết với các tỉnh/thành lân cận (liên kết vùng); và các giải pháp khác như: tham gia hoàn thiện pháp luật logistics, thúc đẩy sự phát triển của Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh… trong đó, tập trung vào 2 nhóm giải pháp: phát triển nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng để đề nghị hợp tác với các đối tác Nhật Bản. Ông cũng đề xuất với các đối tác Nhật Bản phối hợp về đào tạo nhân lực, gồm 2 nhóm: đào tạo ngắn hạn cho nhóm lao động giản đơn; và đào tạo dài hạn, chuyên sâu (đại học, sau đại học) cho nhóm quản lý cấp cao, các chuyên gia để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động logistics tại TP.

Bên cạnh phát triển nguồn nhân lực, TP Hồ Chí Minh xác định giải pháp phát triển hạ tầng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trong đó cần thiết phải hình thành hệ thống trung tâm logistics. TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và phê duyệt Đề án phát triển ngành logistics TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mô hình “trung tâm logistics” với tính chất là 1 khu phức hợp, cung cấp đầy đủ tất cả dịch vụ logistics cho doanh nghiệp. Phó Giám đốc Sở Công Thương đã giới thiệu cụ thể về các trung tâm logistics dự kiến thành lập và kêu gọi đầu tư trong thời gian tới để nhà đầu tư, đối tác Nhật Bản quan tâm và kết nối, đầu tư.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng khẳng định, trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa hai địa phương, cùng với sự quyết tâm của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, hai địa phương chắc chắn sẽ thực hiện được những mục tiêu đề ra nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và Hyogo trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt về logistic, lĩnh vực mà tỉnh Hyogo có thế mạnh và TP Hồ Chí Minh đang có nhu cầu kêu gọi đầu tư.

Chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng tiếp tục khẳng định sự nỗ lực trong bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, trong đó có doanh nghiệp tỉnh Hyogo, hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả tại TP Hồ Chí Minh. Những đề xuất cho các chương trình hợp tác, đầu tư mà hai địa phương dự kiến phối hợp và triển khai trong năm 2023 sẽ góp phần đánh dấu một bước tiến mới trong mối quan hệ ngoại giao 50 năm giữa Việt Nam và Nhật Bản./..

Sở Ngoại vụ TPHCM