Ảnh minh họa.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới, cùng với diễn biến phức tạp về địa chính trị tại một số khu vực, lượng kiều hối chảy về TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục tăng trưởng khá tích cực. Đây được xem là nguồn lực vàng không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân trong nước, mà còn là nguồn lực tài chính quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước.
Lượng kiều hối dự kiến sẽ tăng mạnh trong tháng cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán. Dù chưa có thống kê cụ thể, tuy nhiên có thể thấy rõ một phần lớn kiều hối của bà con Việt kiều gửi về để hỗ trợ người thân; đồng thời một phần cũng chảy vào các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nước.
Có thể thấy, từ nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối chuyển về và chiếm khoảng 40-50% lượng kiều hối của cả nước.
Theo thông tin từ lãnh đạo các ngân hàng cho biết, lượng kiều hối chuyển về vào dịp Tết thường tăng 20 - 25% so với các tháng trong năm. Năm nay, do Tết Nguyên đán đến sớm, gần với Noel và Tết Dương lịch, kiều bào sẽ tập trung gửi tiền về dịp năm mới cho người thân ăn Tết, lì xì và mừng tuổi. Vì thế, lượng kiều hối chuyển về hứa hẹn sẽ rất khả quan.
Báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) thực hiện đưa ra dự báo, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so với các năm trước.
Cụ thể, tổng lượng kiều hối về Việt Nam có thể tăng 4,4% trong năm 2022 và tăng 3,6-4,5% trong năm tiếp theo./..