GS.TS.BS. Trần Quyết Tiến, Phó Trưởng khoa Khoa Y phát biểu tại buổi Lễ.

Tại Khoa Y ĐHQG-HCM, buổi lễ thường được sinh viên ngành y khoa năm hai tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ môn Giải phẫu học – Phôi thai học như một truyền thống nhằm hình thành ý thức giữ gìn, nâng niu và chăm sóc cả phần tâm linh và thân thể của những người thầy hiến xác cho Y học. Năm nay, Lễ Macchabée 2022 với chủ đề “Sống cho đời” đã diễn ra trong không khí thành kính, trang nghiêm tại Nhà Giải phẫu Khoa Y thuộc khu đô thị ĐHQG-HCM, phường Đông Hòa, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương với sự tham gia của hàng trăm sinh viên, giảng viên Khoa Y và thân nhân người hiến xác.

Phát biểu tại buổi lễ, TS.BS. Lê Quang Tuyền, Trưởng Bộ môn Giải phẫu học – Phôi thai học Khoa Y đã nhắn nhủ đến các sinh viên rằng: “Các em thân mến, có lẽ trong khoảnh khắc, chúng ta sẽ không ngăn được nguồn cảm xúc đang dâng trào. Trong không gian tĩnh lặng, căn phòng của bộ môn giải phẫu thật ấm cúng và tràn ngập hương hoa, ngời sáng những ngọn nến làm nổi bật chiếc áo blouse trắng quen thuộc… Tất cả đang nghiêng mình kính cẩn trước những con người đang say giấc. Họ đã ngủ, một giấc ngủ bình yên, thanh thản. Họ đi rồi, họ đã ra đi để lại khát khao, mong muốn mang đến mầm sống cho đời, họ đã hiến mình cho nhân loại, cho khoa học nói chung và cho y học nói riêng…”

Từ lâu, giải phẫu học đã được xem là cánh cửa đầu tiên mà các sinh viên y bắt buộc phải vượt qua trước khi bước chân vào thế giới của ngành y tế. Đối với sinh viên y khoa, không có một phương tiện giảng dạy nào tốt hơn chính cơ thể con người, và những cơ quan trong cơ thể sẽ không bao giờ được khám phá ra nếu không có “những người thầy thầm lặng” đã dũng cảm hiến thân mình cho Y học sau khi mất đi. Được tạo điều kiện để học tập và thực hành trên thi hài của những người hiến tặng, kiến thức của các sinh viên y trở nên rõ ràng hơn và từ đó có thể học tập tốt hơn. Tất cả những điều đó chính là một phần trong sự hy sinh cao cả, những giá trị và bài học mà họ mang lại là điều không thể nào thay thế.

Đến dự buổi lễ, GS.TS.BS. Trần Quyết Tiến, Phó trưởng Khoa Y đã gửi lời tri ân, cảm tạ sâu sắc đến những người đã hiến xác vì y học. Thầy khẳng định những người hiến xác chính là những người thầy, những nhà khoa học đã góp phần đào tạo nên những y, bác sĩ tương lai. Thầy cũng bày tỏ lòng biết ơn vô bờ đến thân nhân những người hiến xác đã gạt bớt đau thương của gia đình để đồng ý hiến tặng theo di nguyện người đã khuất; sự hi sinh của những người hiến xác cùng thân nhân chính là bài học lớn nhất, vĩ đại nhất để các sinh viên học tập. Qua đó Thầy đã nhắn nhủ những sinh viên hãy cố gắng phấn đấu trong quá trình học.

Chú Phạm Ngọc Thua (hay còn gọi Chú Mười) - người đã gắn bó với Nhà Giải phẫu của Khoa Y ĐHQG-HCM suốt bao năm qua bộc bạch tâm sự: “Bản thân tôi công tác tại Khoa Y đến nay đã nhiều năm, cứ mỗi lần chúng tôi đi nhận xác hiến là mỗi lần chúng tôi chứng kiến những đau thương từ phía gia đình người thân. Những giọt nước mắt lại rơi, những tiếng nấc nghẹn ngào khi người thân của những người hiến xác lại đến đây thăm viếng thi hài người đã khuất. Nhưng thưa quý vị, hãy nén đau thương và hãy tự hào về những quyết định cao cả của người thân quý vị, khi đã hy sinh thân thể mình cho nền Y học. Các nhà giải phẫu học và sinh viên cảm nhận hơn ai hết sự cống hiến vô cùng quý giá và đầy hiệu quả ấy cho khoa học nói chung, và cho sự nghiệp giáo dục đào tạo Y khoa nói riêng…”

Nhà giải phẫu của Khoa Y ĐHQG-HCM thường ngày yên ắng thì nay tại buổi lễ lại tràn ngập hoa và nước mắt. Tại đây, có niềm vui, có xúc động, có tưởng nhớ,… khi những người hiến thân cho y học được trở về với những người đang sống. Cung đường vào nhà giải phẫu, cũng như phòng thờ, phòng học, phòng thi hài đã được trang trí trang nghiêm, trịnh trọng với những lẵng hoa tươi thắm và những tràng hạt giấy đầy ý nghĩa, sẵn sàng dẫn đường và tiếp đón dòng người viếng thăm với lòng biết ơn và kính trọng sâu sắc đến những Người đã hiến thân cho khoa học.

Trong không khí trang nghiêm nhưng không kém phần ấm cúng, buổi lễ Macchabée 2022 do tập thể lớp Y2020 kết hợp cùng Bộ môn Giải phẫu tổ chức đã tái hiện được một phần lịch sử đấu tranh, quá trình phát triển Y học nói chung và Giải phẫu nói riêng. Ngoài ra là những nghi thức chính bao gồm: Đọc diễn văn, gửi lời cảm ơn đến những người thầy thầm lặng và thân nhân thi hài; hoạt động văn nghệ; cuối cùng là lễ rước và dâng hương, thành kính tri ân những người hiến thân cho y học. Chính những giây phút thiêng liêng của buổi lễ đã tạo ra một không gian để mang người đã khuất đến gần hơn với tất cả mọi người./..

CM