Tối 30/9, hàng nghìn người ở TP Hồ Chí Minh sau khi nghe tin Thành phố nới lỏng giãn cách từ 0 giờ ngày 1/10, đã “khăn gói” tự ý chạy xe máy trở về quê. Dòng người đổ về khu vực thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, nơi giáp ranh tỉnh Long An mỗi lúc một đông. Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt chặn này đã giải thích, khuyên người dân quay trở lại và không cho đi tiếp. Tuy nhiên, tới khuya, người dân vẫn không chịu quay lại thậm chí lượng xe máy vẫn tiếp tục đổ về cửa ngõ này càng đông hơn. Đa phần trong số đó là các gia đình trẻ, trên xe chở theo đồ đạc, vợ con. Nhìn những đứa trẻ ngủ gục ngay trên xe, nhiều người mệt mỏi vì đã chạy xe từ chiều đành ngồi bệt ngay bên lề đường…thật sự rất xót xa. Họ là những người có hoàn cảnh khó khăn khi đã bám trụ ở Thành phố này mấy tháng nay trong khi công việc không có, thu nhập không có. Số tiền chắt bóp bấy lâu bỏ ra chi tiêu thời gian giãn cách có lẽ tới nay đã cạn kiệt. Họ cũng hi vọng dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động trở lại và họ sẽ có công việc nhưng có lẽ, họ đã không thể chịu đựng thêm được nữa nên tối qua đã “đánh liều” rời Thành phố.

leftcenterrightdel
Lực lượng chức năng đã giải thích, tuyên truyền mong bà con quay lại Thành phố đồng thời, bố trícho người dân chỗ ở tạm là một trường học trên địa bàn chờ lập danh sách liên hệ với các địa phương, hội đồng hương để đưa người dân về theo đoàn và có tổ chức để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh (Ảnh: Trần Kha)

Một cặp vợ chồng quê ở Cần Thơ chia sẻ, vợ chồng anh bị mất việc 4 tháng nay, tiền dự trữ trong nhà đã hết. Anh chị biết dịch bệnh đang còn phức tạp, mà tụ tập đông thế này rất nguy hiểm, nhưng không còn cách nào tốt hơn. Phải đưa con nhỏ về quê bằng xe máy trong hoàn cảnh này anh chị rất đau lòng nhưng đây là bước đường cùng. Anh bảo, giờ trong đầu chỉ mong được về quê, ở đây chẳng còn tiền mà sống nữa.

Trong số những người rời Thành phố đêm 30/9 rất nhiều người đã trả phòng trọ nên giờ quay về họ cũng không biết tá túc chỗ nào. Khoảng 0h30 ngày 1/10, lực lượng chức năng quyết định phát phiếu cho người dân đề nghị ghi rõ họ tên, nơi đến… để đưa bà con về điểm tập trung ở tạm qua đêm, đồng thời sẽ tìm phương án đưa người dân về quê phù hợp.

Trước đó, sáng cùng ngày, gần 100 người dân chở theo con nhỏ, hành lý... đi xe máy trên đường Xa Lộ Hà Nội, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh hướng về tỉnh Đồng Nai. Khi vừa tới chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 trên đường này (đoạn trước Bến xe Miền Đông mới, phường Long Bình), đoàn người bị lực lượng chức năng chặn lại kiểm tra. Công an TP Thủ Đức nhanh chóng có mặt phối hợp cùng các lực lượng chức năng hướng dẫn, vận động, yêu cầu người dân thực hiện giãn cách. Đồng thời, người dân được lực lượng phát giấy điền thông tin cá nhân, địa chỉ, đăng ký nguyện vọng về quê để các cơ quan chức năng cập nhật, có hướng giải quyết. Sau khi được giải thích và hỗ trợ, người dân đã chấp hành quy định.

Đây không phải lần đầu tiên, tại TP Hồ Chí Minh từng dòng người “ùa” về cửa ngõ với hi vọng “thông chốt” để được trở về quê nhà trong đợt dịch này. Thành phố cũng đã làm mọi cách có thể để hỗ trợ bà con với những chính sách thiết thực, kịp thời như: tiêm vắc xin, hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ tiền cho lao động tự do mất việc làm, hỗ trợ bằng các gói thực phẩm. Đặc biệt hiện nay, Thành phố đang triển khai gói hỗ trợ lần thứ 3 cho hơn 7.3 triệu người gặp khó khăn trên địa bàn không phân biệt tạm trú, thường trú, lưu trú (mỗi người 1 triệu đồng).

Song có lẽ trên thực tế, với nhiều gia đình, số tiền hỗ trợ ấy chỉ giúp họ xoay sở được một thời gian ngắn trong khi họ đã thất nghiệp cả 4 tháng nay, tiền nhà, điện, nước và các sinh hoạt phí khác vẫn phải chi trả.

Anh Cương làm thợ hồ quê ở Nghệ An chia sẻ: “Không biết ngày nào tôi mới được về quê. Ở đây mấy tháng nay không có tiền, may được bà con lối xóm, các mạnh thường quân thỉnh thoảng hỗ trợ thực phẩm ăn qua ngày. Vợ con ở quê gọi vào hỏi suốt, khóc lóc vì sợ tôi nhiễm bệnh, ốm đau. Lo lắng đủ cả, giờ tôi như người bị trầm cảm”.

Anh cũng tâm sự thật, mình ở lại công trình của nhà họ, cũng tạm bợ nhưng không mất tiền trọ cũng đỡ. Tuy nhiên, vợ chồng con gái anh đang thuê nhà ở quận Gò Vấp thì khổ quá. “Con gái tôi trước bán vé số, con rể làm thợ hồ. 2 vợ chồng với đứa con nhỏ thuê nhà bên Gò Vấp mà giờ không còn đồng tiền nào. Bữa trước nó hỏi tôi có vay đâu được cho một ít để đóng tiền trọ, sống tạm qua ngày. Giờ ở đây, quen ai mà vay mượn được. Cực lắm chị ạ. Không biết phải làm sao bây giờ. Chỉ thương cháu nhỏ...”, anh Cương buồn rầu.

Bắt đầu từ ngày hôm nay (1/10), TP Hồ Chí Minh áp dụng nới lỏng giãn cách, chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Tối 30/9, trong chương trình “Dân hỏi- Thành phố trả lời”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nêu rõ, trong giai đoạn “bình thường mới”, Thành phố xem phòng chống dịch và phục hồi kinh tế là 2 mặt trận - vừa bảo vệ sức khỏe người dân, vừa bảo vệ “sức khỏe” của nền kinh tế. Hai mặt trận đều quan trọng và hỗ trợ, tương tác lẫn nhau: phát triển kinh tế, tạo việc làm, tạo thu nhập cho người dân, tạo nguồn lực cho Thành phố chống dịch tốt và ngược lại, chống dịch giúp giảm F0, giảm tử vong, sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế.

leftcenterrightdel
Tuy nhiên, rất nhiều người dân vẫn ngỏ ý mong muốn sẽ về quê bằng phương tiện cá nhân. Rạng sáng ngày 1/10, số lượng người và phương tiện xe máy đổ về chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn Huyện Bình Chánh vẫn khá đông (Ảnh: Trần Kha)

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố chia sẻ với tâm trạng của người dân lúc này. Thành phố vẫn tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức đưa người thực sự khó khăn về quê một cách có tổ chức.

Tuy nhiên, hiện nay, Thành phố đã nới lỏng giãn cách để tổ chức sản xuất, kinh doanh nên các doanh nghiệp hoạt động trở lại rất cần người lao động. Thành phố mong người lao động cân nhắc trước khi rời Thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang lên kế hoạch tổ chức đón thêm lao động từ các tỉnh về Thành phố làm việc. Thêm vào đó, việc về quê lúc này sẽ gây nguy cơ xảy ra dịch bệnh tại địa phương và có thể gây quá tải hệ thống y tế; nếu nhiễm bệnh thì việc điều trị cũng khó khăn.

Cũng trong ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi UBND TP Hồ Chí Minh; các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng,chống dịch COVID-19. Trong Công điện Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục kiểm soát người ra, vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An (Khu vực).

Công điện cũng nêu rõ, yêu cầu đi lại của người dân trong khu vực 4 tỉnh trên với các tỉnh, thành phố khác là rất lớn và chính đáng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại 4 địa phương trên dù đã từng bước được kiểm soát nhưng vẫn còn phức tạp do dịch bệnh đã nhiễm sâu trong cộng đồng. Mặt khác, người dân tại các địa phương trên đã được ưu tiên tiêm vắc xin mũi 1 nhưng vẫn có thể bị nhiễm virus và lây truyền cho người khác trong khi độ bao phủ vắc xin tại các địa phương khác còn thấp. Nếu dịch bệnh lan rộng sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng, sức khỏe của Nhân dân.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm soát người ra vào "Khu vực". Việc đưa đón người ra, vào "Khu vực" phải được chính quyền các tỉnh, thành phố trong "Khu vực" và tỉnh, thành phố khác thống nhất, tổ chức an toàn, chu đáo. Chính quyền TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để người dân tự phát ra khỏi địa phương mình về các tỉnh, thành phố khác ngoài "Khu vực". 

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với 4 địa phương trên tuyên truyền, vận động và có sự hỗ trợ cần thiết để động viên Nhân dân không tự ý di chuyển về quê. Phối hợp đưa công nhân, người lao động đã về quê trở lại các tỉnh, thành phố trong "Khu vực" để khôi phục sản suất, kinh doanh. Các tỉnh, thành phố bên trong"Khu vực" thống nhất phương án quản lý người dân di chuyển bên trong "Khu vực" tạo thuận lợi cho khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn. 

Dịch bệnh với diễn biến phức tạp, đã để lại những hậu quả nặng nề, mất mát to lớn đối với người dân cũng như nền kinh tế, kéo theo nhiều vấn đề xã hội khác phát sinh. Trong lúc này, hơn bao giờ hết rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành của người dân. Chính quyền các địa phương cũng đang nỗ lực hết sức vì sự an toàn của chính người dân. Việc cân nhắc nới lỏng giãn cách, từng bước khôi phục kinh tế cũng không nằm ngoài mục tiêu đó.

Trong buổi họp báo sáng 30/9, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minhcho biết, trước ngày 1/10, Công an TP Hồ Chí Minhsẽ giải tỏa tất cả các chốt nội đô, từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, Thành phố sẽ duy trì 12 chốt chính, 39 chốt phụ ở các quận, huyện giáp ranh các tỉnh để kiểm soát người ra vào TP Hồ Chí Minh. Liên quan vấn đề người dân mong muốn rời TP Hồ Chí Minh về quê, đại tá Nguyễn Sỹ Quang khẳng định, người dân không được tự ý đi bằng xe cá nhân.


V.Lê