Thạc sỹ Lưu Thị Thương cùng Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng đã góp phần hỗ trợ chính quyền cơ sở và cộng đồng chăm lo đời sống nhân dân trong lúc dịch bệnh COVID-10 diễn biến phức tạp. (Ảnh NVCC)
Là một giảng viên về Lý luận Chính trị và là công dân của Thành phố mang tên Bác, tại nơi cư trú, Thạc sỹ Lưu Thị Thương- Giảng viên Khoa Giáo dục Cơ sở, Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương VI được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ phó Tổ dân cư 205, Khu phố 22, Phường Bình Hưng Hòa A, Quận Bình Tân, đã hơn 4 năm nay.
Trong đợt bùng phát dịch lần này, Thạc sỹ Lưu Thị Thương đảm nhiệm vai trò Tổ phó Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng. Để kịp thời phổ biến thông tin chính thức của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương đến với người lao động, bà con trong Tổ, đầu tiên Thạc sỹ Lưu Thị Thương lập nhóm Zalo, đưa đại diện các hộ vào nhóm, Thạc sỹ Lưu Thị Thương đã thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh, các chủ trương biện pháp chống dịch, nhắc nhở bà con thực hiện các quy định để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Cùng với các kênh thường xuyên như gặp trực tiếp (tuân thủ nguyên tắc 5K), gọi điện, nhắn tin…, thông qua Zalo Thạc sỹ Lưu Thị Thương đã thực hiện rất hiệu quả các công việc để hỗ trợ công tác phòng chống dịch một cách kịp thời, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp không cần thiết: Thông báo cho người lao động, hộ khó khăn gửi thông tin để tập hợp chuyển lên khu phố đăng ký các gói hỗ trợ qua nhiều đợt, công tác tiêm vaccine, tiếp nhận thông tin phản ánh của bà con… Đến hiện tại,100% người dân trong Tổ từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine mũi 1, trên 70% đã được tiêm mũi 2, trên 80% người lao động nghèo, thất nghiệp, hộ khó khăn đã nhận được các gói hỗ trợ của Chính phủ, Thành phố.
Hiện, trong Tổ phát hiện 25 ca F0, bản thân người bị nhiễm COVID và gia đình rất lo lắng, có hộ 4 người thì có đến 3 người bị nhiễm gồm cả trẻ em. Thời gian đầu mới bùng phát dịch, 3 ca F0 đầu tiên đã được đưa đi cách ly ngay khi phát hiện, các ca mới phát sinh sau đó phải tự cách ly ở nhà do lúc này các cơ sở thu dung và điều trị F0 của Thành phố đã quá tải. Quá trình các F0 tự cách ly và điều trị tại nhà, Thạc sỹ Lưu Thị Thương đã động viên họ bình tĩnh, không hoảng loạn, lưu ý cách thức để họ tự cách ly an toàn, không để lây nhiễm chéo, tư vấn chế độ dinh dưỡng, vệ sinh hợp lý, nhắc họ khi bệnh trở nặng cần phải thông báo để được hỗ trợ y tế, cung cấp thông tin liên lạc đường dây nóng. Có 2 trường hợp sau đó diễn biến nặng, khu phố đã hỗ trợ báo cho y tế phường kịp thời đưa họ đi cấp cứu và điều trị ở tuyến trên, đến nay cả 2 trường hợp này đã được chữa khỏi và xuất viện.
Cũng theo Thạc sỹ Lưu Thị Thương, do dịch bệnh kéo dài, nhiều lần áp dụng quy định giãn cách xã hội tăng cường và liên tục, khiến sức chống chọi của người dân cũng cạn dần, những hộ gia đình khá giả trước dây đến nay cũng suy kiệt, cầu cứu sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như các nhà hảo tâm, tuy nhiên sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm cũng có hạn, ít dần vì bản thân họ giờ đây cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Trong suốt quá trình hỗ trợ chống dịch, chăm lo đời sống cho người dân tại cơ sở - chúng tôi (tổ trưởng, tổ phó, thành viên chống dịch tại cơ sở…) cũng chịu nhiều áp lực, lo lắng bị lây nhiễm covid đe dọa sự an toàn của bản thân mình và gia đình mình vì hàng ngày chúng tôi phải tiếp xúc với nhiều người, di chuyển liên tục; một số người do thiếu hiểu biết, khi chưa được nhận tiền, các gói hỗ trợ, đã có những lời nói gây tổn thương. “Chúng tôi đã nhiều lần giải thích chủ trương, đường lối chống dịch của Thành phố, quy định đối tượng cụ thể được Nhà nước hỗ trợ nên họ đã hiểu ra; phần lớn người dân hiểu, chia sẻ, động viên chân thành, cảm ơn những việc chúng tôi đã làm cho cộng đồng, họ cũng đã thường xuyên hỗ trợ tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ - điều này đã khích lệ bản thân tôi tiếp tục công việc “làm dâu trăm họ”, làm sao kịp thời, nhanh nhất đưa các gói hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng, nhà tài trợ đến với người dân để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này” – Thạc sỹ Lưu Thị Thương cho biết thêm.
Với những công việc hàng ngày như vậy, Thạc sỹ Lưu Thị Thương cùng Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng đã góp phần hỗ trợ chính quyền cơ sở và cộng đồng chăm lo đời sống nhân dân, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của cộng đồng dân cư trong thời gian dịch bệnh hoành hành gây tổn thất hết sức nặng nề về sinh mạng con người, thiệt hại khủng khiếp về kinh tế...
Thạc sỹ Lưu Thị Thương tâm sự: “Mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tôi tin rằng với sự đồng lòng của cả xã hội, Nhà nước ta sẽ tiếp tục huy động được nguồn lực trong nhân dân, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của người Việt Nam, sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung - chúng ta nhất định sẽ vượt qua đại dịch COVID-19, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới, bắt tay xây dựng lại cuộc sống mới, lập nên những “kỳ tích” mới mang tên “Việt Nam”./..