Thầy Trần Văn Tình, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Vượt qua khó khăn vì học sinh thân yêu

Sinh ra tại Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, năm 1987 thầy Trần Văn Tình tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm TP Hồ Chí Minh (nay là trường Đại học Sài Gòn) với tấm bằng loại giỏi. Khi ấy, huyện Cần Giờ thiếu giáo viên nên thầy Tình cùng 6 thầy cô được phân về trường cấp 2 và 3 Bình Khánh. Sau 1 năm công tác, do hoàn cảnh khó khăn, chỉ còn 4 thầy cô giáo trong đó có thầy Tình trụ lại.

Để đến trường dạy học, thầy đã đạp xe từ nhà tới huyện tới Cần Giờ trên quãng đường hàng chục cây số. Thầy Trần Văn Tình nhớ lại: “Năm 1987, ngày đó khó khăn lắm, đường đất đỏ, tôi ở nhà tập thể tuần về một lần, có khi nửa tháng mới đạp xe đạp từ Nhà Bè về nhà. Hồi còn trẻ có sức khoẻ, yêu nghề nên tôi rất hăng say với công việc. Lớp học ở đây được làm bằng vách đất, lợp lá, nền sình lầy, mùa khô nứt nẻ, dạy không khéo chân sẽ bị lọt xuống dưới. Vách lá ngăn lớp học thông nhau, tiếng giảng bài của thầy cô ở các lớp lẫn vào nhau khiến học sinh khó tập trung tiếp thu. Mặc dù khó khăn nhưng vẫn vui và ấn tượng về tình thầy trò, phụ huynh hiền lành, chân chất… Cứ có nhà có việc, phụ huynh mời thầy cô về tham dự như người thân, ruột thịt. Thậm chí, có em học sinh nhận thầy là “ba”, mà còn  muốn “ba” là của riêng mình".

Năm 1990, thầy chuyển về công tác tại trường THCS An Phú, huyện Thủ Đức. Thời gian công tác tại đây, thầy tham gia các hoạt động của nhà trường như Chủ tịch Công đoàn, rồi tổ trưởng chuyên môn. Thầy Tình được công nhận giáo viên dạy giỏi và được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2 (từ 2001 - 2009). Đến năm 2009, thầy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Định, Quận 2. Lúc đó trường chưa xây xong, phải mượn cơ sở trường mầm non Thạnh Mỹ lợi để giảng dạy. Trường cũng chỉ có 2 lớp với 72 học sinh, 13 cán bộ, giáo viên, mà thầy vẫn hoạt động tổ chức như một trường hoàn chỉnh. Sau những năm tháng khó khăn đó, Quận 2 đã xây xong Trường THCS Nguyễn Thị Định, thầy và trò vui mừng được về cơ sở mới để hoạt động. Cứ mỗi năm trường tăng lên 5 lớp. Từ 2 lớp học dần tăng  thêm 7 lớp, 12 lớp, 20 lớp…. 

Năm 2016, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 2 điều chuyển thầy làm Hiệu trưởng trường THCS Lương Định Của, đến nay đã được 7 năm. Chỉ còn hơn một năm rưỡi nữa là thầy sẽ nghỉ hưu theo chế độ, trong thời gian làm quản lý, thầy luôn nỗ lực để trường giữ vững danh hiệu chuẩn quốc gia ở mức độ 1, năm 2023 cố gắng nâng trường đạt chuẩn quốc gia  mức độ 2.

Hạnh phúc là được cống hiến hết mình

Nhớ lại những ngày đầu bước chân về trường, thầy chia sẻ: Quản lý máy móc dễ, quản lý con người khó lắm! Ban đầu mới về trường, tôi luôn quan tâm tới công tác tổ chức nội bộ, bỏ thời gian tìm hiểu thông tin xem đối tượng, môi trường mình làm việc như thế nào. Từ đó, phát huy được năng lực, tâm huyết, trí tuệ của từng cá nhân ở vị trí xứng đáng.

 

leftcenterrightdel
Thầy trò quyên góp ủng hộ học sinh nghèo.

Thầy cũng luôn chú ý rèn luyện đạo đức cho học sinh. Bởi theo thầy, đạt bằng giỏi mà không có đạo đức thì coi như thất bại. Chính vì vậy, vào những tiết sinh hoạt thứ 2 đầu tuần, trong chủ đề hàng tuần truyền đạt tới các em học sinh, thầy luôn cố gắng tìm cách phân tích khéo léo, truyền cảm hứng cho các em. Chỉ một lời nói động viên gửi tới học sinh đầu tuần, giống như liều thuốc tiếp thêm cho các em năng lượng để vươn lên. Bởi, làm thay đổi nhận thức rất quan trọng, quan điểm, nhận thức thông thì hành động sẽ tốt.

Bên cạnh chất lượng giáo dục, mục tiêu hàng đầu là phát triển con người toàn diện văn - thể - mỹ. Do vậy, ngoài học tập, thầy còn chú ý đến hoạt động văn - thể - mỹ của trường. Các phong trào của trường rất sôi nổi, với sự tâm huyết của thầy cô đã khích lệ phong trào tới các em. Kết quả hoạt động văn nghệ, thể thao của trường luôn đạt giải nhất, nhì quận, thành phố. 

Thầy Trần Văn Tình trăn trở: Giáo viên thời nay cũng đối mặt với nhiều áp lực, trong đó có cả áp lực về kinh tế. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đổi mới về các môn học, tích hợp môn học, đòi hỏi giáo viên cố gắng nhiều, luôn phải bồi dưỡng, tiếp cận chương trình. Do vậy, đòi hỏi năng lực giáo viên rất lớn, nếu không cố gắng sẽ không theo kịp. Thầy luôn động viên, nhắc nhở các giáo viên hãy cùng nhau tháo gỡ khó khăn, để đạt được chất lượng dạy học tốt nhất. 

leftcenterrightdel
Thầy Trần Văn Tình tại Lễ đón Bằng công nhận Trường THCS Lương Định Của đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.

Với thành tích nhiều năm liền trong giảng dạy và quản lý, thầy Trần Văn Tình đã vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm 2014 - 2015 đến năm học 2018 - 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2019, thầy được Công đoàn Ngành Giáo Dục TP Hồ Chí Minh tuyên dương danh hiệu “Trái tim người thầy”.  

Thầy luôn tâm niệm học tập và làm theo làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh là phải biết nghĩ tới lợi ích chung, nói ít làm nhiều. Chính vì vậy, trường THCS Lương Định Của ngày càng được nhiều phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em tới học - đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của người thầy./.

Bài, ảnh: Chi Mai