Toàn cảnh buổi làm việc giữa HĐND Thành phố và các đơn vị chiều 2-11. (Ảnh: Cẩm Nương)

Tại buổi làm việc, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu đã chia sẻ những kết quả tích cực mà Sở đã triển khai thực hiện các hoạt động trong thời gian qua. Đồng thời, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng cho biết một số khó khăn bộc lộ như việc thiếu hụt nhân sự, mức lương cho nhân viên y tế hay khó khăn trong mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư vẫn đang là bài toán nan giải thời gian qua. Bên cạnh đó, còn một vướng mắc khác được lãnh đạo Sở Y tế đưa ra liên quan đến thực hiện nghị quyết 03 về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, bởi hiện ngành y tế có hơn 20 đơn vị không đủ nguồn tự chủ tài chính để có thể chi trợ cấp.  Đơn cử như Trung tâm Y tế Quận 10 và Bệnh viện Trưng Vương, từ đầu năm 2022 đến nay, hai đơn vị này không chi được thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03. Do đó, nhiều bác sĩ và điều dưỡng, kỹ thuật viên có kinh nghiệm của hai đơn vị này đã nghỉ việc.

Ngoài hai đơn vị này, địa bàn TP Hồ Chí Minh có 25 đơn vị không cân đối được nguồn tài chính để chi theo Nghị quyết 03. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, từ năm 2016 đến nay, nhiều đơn vị y tế phải thực hiện tự chủ tài chính đã lấy quỹ cải cách tiền lương để chi cho các mục đích khác. Tuy nhiên, trên giấy tờ, sổ sách thì khoản này vẫn phải xác định là nguồn cải cách tiền lương của đơn vị nên ngân sách không cấp bổ sung. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020, 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, nguồn thu của các đơn vị đều bị giảm sút, trong đó một số đơn vị không cân đối được nguồn tài chính, chênh lệch thu chi dưới 0.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND, chỉ có nhóm công chức, viên chức mới được hưởng thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù. Tại các sơ sở y tế, nhóm này chiếm khoảng 64%, hơn 30% còn lại là nhân viên hợp đồng, không thuộc đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm.

Trước thực tế đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị UBND Thành phố cấp thêm ngân sách để các đơn vị y tế có nguồn bổ sung chi theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND.  Đồng thời, Sở Y tế Thành phố cũng đề xuất, UBND Thành phố mở thêm các tuyến giao thông công cộng đến hai địa điểm là Bệnh viện Truyền máu - Huyết học (đóng tại huyện Bình Chánh) và Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (đóng tại thành phố Thủ Đức) do quãng đường đến hai bệnh viện này quá xa.

Còn tại HCDC, bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc trung tâm, cho biết hiện nay ngành y tế Thành phố đang gặp khó khăn trong việc tiêm vắc xin cho trẻ em vì chương trình tiêm chủng quốc gia đã tạm ngừng cung cấp vắc xin sởi, bạch hầu, ho gà… Theo bà Nga, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc phòng chống dịch bệnh của Thành phố bởi tỉ lệ tiêm vắc xin thấp thì chúng ta sẽ có nguy cơ đối đầu với dịch sởi trong năm nay và năm sau.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Văn Dũng ghi nhận và đánh giá cao vai trò những đóng góp của các đơn vị, góp phần cùng Thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2022.

Qua đó, lãnh đạo HĐND đề nghị trong thời gian tới các đơn vị cần đặc biệt quan tâm đến việc cải cách hành chính trong ngành để cùng với Thành phố thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số đạt hiệu quả tốt nhất./..

 

 

 

 

 

V.Lê