Vượt lên những nỗi đau
Theo khảo sát của nhiều địa phương quận, huyện và TP Thủ Đức, dịch COVID-19 kéo dài đến nay đã gây thiệt hại nghiêm trọng về mọi mặt, trong đó có tổn thất không nhỏ về con người. Không ít gia đình đang êm ấm giờ bỗng tan nát; nhiều em nhỏ độ tuổi ăn học, đang trong vòng tay yêu thương, nuôi nấng, dạy bảo của cha mẹ đã thành trẻ mồ côi…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm hỏi, tặng quà trung thu cho cháu T.N.T.N có mẹ mất vì COVID-19. (Nguồn ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức)
Bà Ðặng Trần Trúc Dao, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hóc Môn chia sẻ, phần lớn học sinh mồ côi trong đợt dịch COVID-19 này đều là con em của người lao động; trong đó có nhiều trường hợp nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Việc mất đi một người thân, khiến các em mất đi một tình cảm thiêng liêng, thiếu hụt người chăm sóc, dưỡng dục; phải đối diện nhiều khó khăn hơn trong những tháng ngày sắp tới.
Đánh giá về tác động của dịch COVID-19 đối với trẻ em, các chuyên gia ngành tâm lý học lâm sàng cho rằng trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh của đại dịch. Những sang chấn tâm lý của trẻ ở nhiều cấp độ khác nhau, trong đó có sự gia tăng các cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo lắng, buồn chán, tức giận…
Theo Tiến sỹ Lê Minh Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, trẻ em thiếu sự kết nối xã hội sẽ gia tăng các hành vi tiêu cực; có suy nghĩ tự ti về bản thân, nhất là với trẻ lớn tuổi. Trẻ em trong những trường hợp này sử dụng internet, mạng xã hội nhiều hơn để được trợ giúp, giải quyết những vấn đề khó khăn, bế tắc thay vì được tư vấn, cảm nhận về tiêu cực hay sự thoải mái, hạnh phúc…
Cùng quan điểm, ông Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú cho rằng, thiếu thốn lớn nhất của các học sinh hay trẻ em mồ côi trong lúc này là tình cảm, sự quan tâm bảo bọc của người thân hay những người chung quanh. Điều cấp thiết và quan trọng nhất trong lúc này chính là sự quan tâm, động viên tinh thần, ổn định tâm lý cho các em.
Đồng cảm trước những mất mát quá lớn của học sinh, trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19, bà Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ, đó là một thực tế đau lòng mà mỗi người cần san sẻ, yêu thương giúp trẻ vượt qua.
Do đó, việc đặc biệt quan tâm, chăm sóc trẻ là điều cần làm bây giờ và thường xuyên để bù đắp phần nào vết thương lòng về tinh thần, cả vật chất cho trẻ mồ côi. Theo bà Hà, việc của những người thân còn lại là dành thời gian lắng nghe và chia sẻ với trẻ. Hãy chuẩn bị thật kỹ để nói cho trẻ hiểu về nỗi mất mát mà các em đang phải trải qua. Tuy nhiên, cách thức chia sẻ cùng cần thật phù hợp để trẻ không thấy quá khủng hoảng khi trải qua sự mất mát này.
Chung tay chăm lo cho trẻ mồ côi cha mẹ do dịch COVID-19
Cùng với cả hệ thống chính trị, rất nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố cũng cùng tham gia, có nhiều hoạt động thiết thực để chăm lo cho trẻ mồ côi cha mẹ do dịch COVID-19.
Khi nắm được thông tin có hàng nghìn trẻ em khó khăn cần giúp đỡ, những người dân tại chung cư Lexington (TP Thủ Đức) phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 4 và các nhà hảo tâm đã trao tặng 20 phần học bổng trị giá 100 triệu đồng đến các em nhỏ mồ côi cha mẹ trong đại dịch. Trong những ngày tới, nhóm dự kiến sẽ hỗ trợ học bổng (mỗi phần 5 triệu đồng) cho 220 trẻ em mồ côi ở khắp các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh như Quận 4, 1, 8, Tân Phú, Bình Tân...
Theo bà Lê Thị Diễm Huỳnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 4, toàn quận hiện có 76 trẻ em mồ côi cha mẹ vì COVID-19, một số trường hợp mất cả cha lẫn mẹ. Hội Liên hiệp Phụ nữ quận cùng các phường sẽ rà soát hằng ngày để kịp thời giúp đỡ các em, không chỉ những em mồ côi cha mẹ vì dịch mà còn những em mất cha mẹ vì những lý do khác. Đối với những em mồ côi cả cha lẫn mẹ, Hội sẽ liên hệ, giới thiệu các em đến những mái ấm tình thương để các em được chăm sóc, nuôi dưỡng.
Với quyết tâm không để bất kỳ trẻ mồ côi vì COVID-19 trên địa bàn thiếu ăn, thiếu mặc hoặc phải bỏ học với lý do không có tiền, hàng ngày, các cơ quan chức năng và địa phương của huyện Bình Chánh vẫn đang tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách trẻ em mồ côi để có phương án hỗ trợ phù hợp. Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đào Gia Vượng cho biết, địa phương đang vận động các nhà hảo tâm, người dân góp kinh phí chăm lo hoặc nhận đỡ đầu trẻ từ nay đến 18 tuổi, hoàn thành chương trình phổ thông, học nghề, đại học, cao đẳng. Ngoài trợ giúp vật chất, các tổ chức trên địa bàn sẽ đồng hành với các em đến khi trưởng thành. Đồng thời, các trường sẽ xây dựng mô hình “bạn giúp bạn”, “đôi bạn học tập” tạo điều kiện cho các em học tập. Hội Liên hiệp Phụ nữ của huyện sẽ là cầu nối tiếp nhận, quản lý các nguồn lực do huyện vận động chăm lo cho trẻ, báo cáo định kỳ cho lãnh đạo huyện và các đơn vị đồng hành.
Tương tự, Phó Bí thư Quận đoàn Tân Bình Nguyễn Thuận An cho biết, hiện Quận có 15 trẻ có cha, mẹ, người giám hộ mất do COVID-19. Bên cạnh việc được động viên, thăm hỏi, tặng quà, với sự hỗ trợ của Hội đồng Đội quận, có 3 em đã được trao bảo trợ học tập đến hết bậc Trung học Phổ thông, số còn lại đang chờ xem xét. Ngoài ra, 2 em được nhận học bổng với kinh phí 5 triệu đồng/suất.
Ngay khi nắm được thông tin về những trường hợp thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với mong muốn chăm lo lâu dài và toàn diện cho các em, Hội đồng Đội TP Hồ Chí Minh đã phát động chương trình kết nối học bổng bảo trợ học tập cho các em đến hết cấp III.
Trao học bổng hỗ trợ học tập đến hết bậc THPT cho học sinh mồ côi tại quận Bình Tân.
(Nguồn ảnh: qdnd.vn)
Theo chị Nguyễn Ngọc Nhung, Phó trưởng Ban Thiếu nhi Thành đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội TP Hồ Chí Minh, chương trình sẽ hỗ trợ học bổng với mức 3 triệu đồng/năm học cho học sinh mất cha, mẹ do dịch, các em đang sống với ông bà hoặc người giám hộ mà hiện nay những người này mất hoặc rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt do COVID-19; các em thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, ưu tiên con của lực lượng tuyến đầu đang tham gia phòng, chống dịch.
Trước những mất mát quá lớn, nhất là với trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh ghi nhận các cấp chính quyền, đoàn thể cùng các tổ chức xã hội và nhiều cá nhân đã và đang san sẻ, lan tỏa yêu thương; tìm nhiều giải pháp chăm lo, nuôi dưỡng nhằm bù đắp một phần sự thiếu hụt, mất mát của trẻ.
Nhiều địa phương, tổ chức đoàn thể đã triển khai nhanh và thường xuyên các túi an sinh xã hội, nhu yếu phẩm cần thiết cho trẻ; trao tặng dụng cụ học tập, sách, vở, máy tính học online, học bổng ngay từ đầu năm mới 2021-2022; đồng thời triển khai nhiều giải pháp đỡ đầu cho các trẻ về lâu dài đến khi 18 hoặc 22 tuổi.
Với truyền thống nhân ái của dân tộc, sự bao bọc của cộng đồng, những việc làm thiết thực như của các cán bộ, chiến sĩ và văn, nghệ sĩ cùng nhân dân trên địa bàn, trẻ mồ côi sẽ phần nào được bù đắp, vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên làm chủ cuộc sống.
Cần xây dựng chính sách chăm lo lâu dài cho trẻ mồ côi
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 khiến trẻ em thành phố phải đối mặt với các vấn đề về tâm lý, sức khỏe và nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cơ thể.
Nhằm trợ giúp cho mọi trẻ em vượt qua giai đoạn dịch COVID-19, Thành phố đã và đang xây dựng, thực hiện và phối hợp triển khai các giải pháp phòng ngừa, hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Để hỗ trợ cho trẻ mồ côi và cả trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 về lâu dài, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho rằng cần xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê và cập nhật thường xuyên các vấn đề trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19 để đánh giá tình hình và kịp thời chỉ đạo địa phương xây dựng các giải pháp can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em an toàn.
Kết nối các dịch vụ xã hội sẵn có từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố và đàm phán với các dự án để chuyển đổi hoạt động sang hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em, cho gia đình trẻ đảm bảo việc cung cấp dịch vụ kịp thời, phù hợp.
Sẻ chia cùng các trẻ em, nhất là trẻ mồ côi vì dịch COVID-19, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu chính quyền các quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát, lập danh sách cụ thể; tổ chức thăm hỏi, động viên, nắm bắt nguyện vọng của người thân đang nuôi dưỡng để thành phố xây dựng chính sách chăm lo, nuôi dưỡng, hỗ trợ các trẻ từ nhỏ đến khi trưởng thành.
Chia sẻ về cách thức, phương hướng hỗ trợ đối với trẻ em rơi vào cảnh mồ côi do dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định, Thành phố sẽ tính toán chu toàn nhất để các em nhỏ có chỗ dựa, phát triển lâu dài, không phải chịu thiệt thòi. Một số trường hợp các em mồ côi cả cha lẫn mẹ trong đại dịch, gia đình, người thân chưa ai kịp về để lo các công việc tiếp theo. Do đó, chính quyền cần phải là điểm tựa để lo lắng, tính toán những kế hoạch chi tiết về việc quản lý, giữ gìn tài sản trước mắt cho các em nhỏ.
Theo các chuyên gia, ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định, thành phố cũng cần nghiên cứu thêm các chủ trương, chính sách phù hợp để tiếp tục đồng hành, giúp đỡ học sinh mồ côi do COVID-19. Bên cạnh đó, học sinh không may bị mồ côi cũng rất cần được quan tâm về dinh dưỡng, giáo dục, y tế, sức khỏe tinh thần, thể chất…
Có thể nói, đồng hành với trẻ em mồ côi vượt qua mất mát, bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất theo chính sách của Nhà nước, những chương trình an sinh của các địa phương đã và đang thực hiện, những hỗ trợ về văn hóa, tinh thần từ cộng đồng với các em là không thể đo đếm, định lượng nhưng cần có tính khoa học và thực tiễn lâu dài.
Vấn đề này đặt ra cho tất cả mọi người và cộng đồng những suy nghĩ, hành động nhằm đồng hành với các em và bằng cách nào đó tốt nhất để các em có thể vượt qua mất mát quá lớn này, để lớn lên, trưởng thành, hội nhập với cộng đồng./.