17:18 03/01/2023
print  

Quận 1: Họp mặt Kỷ niệm 55 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

(ĐCSVN) - Ngày 3/1, Quận ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 1 long trọng tổ chức Họp mặt Kỷ niệm 55 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

 

Bí thư Quận ủy Quận 1 Tô Thị Bích Châu phát biểu tại buổi gặp mặt.


Hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Tô Thị Bích Châu, Bí thư Quận ủy quận 1 về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, tạo ra bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, viết thêm trang sử hào hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc ta.

55 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử và bài học của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn vẹn nguyên giá trị: Đó là khát vọng về độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc, là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả.

Mang trong mình truyền thống Sài Gòn - Gia Định quật khởi, là chiến trường trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Quận 1 vinh dự và tự hào đã hòa mình vào lịch sử, tập trung xây dựng các cơ sở hợp pháp dùng làm nơi trú ém quân, đặt sở chỉ huy; tổ chức phát loa tuyên truyền, liên tục rải truyền đơn, treo khẩu hiệu, treo cờ Mặt trận… gây cho địch hoang mang và quần chúng phấn khởi; cùng với lực lượng biệt động thành, quân dân Quận 1 đã đồng loạt tiến công vào sào huyệt địch, làm thiệt hại nặng các tiểu đoàn thuộc lực lượng tổng trù bị của địch, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Cùng với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã vượt qua khó khăn, tổn thất sau Mậu Thân, chuẩn bị lực lượng và thế trận để cùng cả nước, vì cả nước làm một Đại thắng mùa Xuân 1975; đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Đồng chí Tô Thị Bích Châu cho biết: Hôm nay, trong buổi họp mặt này, có những đồng chí đã từng trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đại diện gia đình của các liệt sĩ đã nằm xuống với đất mẹ, những đồng chí đã phải để lại một phần cơ thể nơi chiến trường khốc liệt, những gia đình đã không ngại hiểm nguy để bao bọc, che chở cho chiến sĩ ta, trở thành cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch. Đảng bộ, chính quyền Quận 1 bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với những đóng góp công sức và cả máu xương chiến sĩ, Nhân dân quận nhà để cùng viết nên thiên anh hùng ca Xuân Mậu Thân 1968 đầy tự hào.

“Kỷ niệm 55 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là dịp để chúng ta cùng ôn lại truyền thống, để tri ân các liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, các gia đình và Nhân dân đã từng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thế hệ hôm nay sẽ tiếp bước cha anh gánh vác sứ mệnh lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới”. Bí thư Quận ủy quận 1 Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.

Đồng chí Tô Thị Bích Châu khẳng định, phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân Quận 1 sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2023; phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XII đã đề ra, xây dựng Quận 1 “An toàn - Văn minh - Phát triển - Nghĩa tình”.

Các nhân chứng lịch sử tham gia giao lưu.

Những ký ức còn vẹn nguyên

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã được giao lưu với các nhân chứng lịch sử tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; và đại diện thế hệ trẻ đang sinh sống học tập và làm việc trên địa bàn quận 1.

Bà Vũ Minh Nghĩa, biệt danh Chính Nghĩa – Thành viên CLB Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn- Gia Đình, một trong 15 người phụ nữ được giao nhiệm vụ đánh trực tiếp vào Dinh Độc Lập bày tỏ tự hào, xúc động khi chia sẻ lại khoảnh khắc bà cùng đồng đội tham gia trực tiếp vào Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. 55 đã trôi qua nhưng những hình ảnh đó vẫn còn in sâu trong ký ức của bà.

Bà Nghĩa chia sẻ: Theo kế hoạch, đội biệt động của bà do đồng chí Tô Hoài Thanh chỉ huy đánh vào Dinh Độc Lập và giữ trận địa trong khoảng 20 đến 30 phút chờ quân chi viện tới. Đây là một mục tiêu quan trọng, nằm trong nội đô và được bảo vệ nghiêm ngặt. Mỗi động thái khác thường quanh mục tiêu sẽ bị địch kiểm tra và sẵn sàng bắn hạ.

Rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, 15 chiến sĩ biệt động đi trên 3 xe tải nhỏ và 2 xe máy tiến vào cổng sau Dinh Độc Lập. Chiếc xe tải đi đầu nhanh chóng tiêu diệt chốt gác, tạo điều kiện đặt thuốc nổ phá cổng. Tuy nhiên, khối thuốc không nổ, lực lượng biệt động bị mắc kẹt ở cổng, 5 chiến sĩ hy sinh ngay khi trèo qua tường rào...

Không thể tiến công vào trong, các chiến sĩ biệt động chiến đấu ngay bên ngoài cổng. Gần 40 phút cầm cự vẫn chưa thấy có quân ta tiếp viện, cả Đội 5 dồn lực quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trận đánh đó mãi là một ký ức không thể nào quên với Chính Nghĩa bởi hôm đó bà chứng kiến đồng đội của mình ngã xuống, trong đó người đội trưởng Tô Hoài Thanh hy sinh ngay trên cánh tay bà. "Cuộc chiến đấu không cân sức giữa 15 chiến sĩ biệt động với hàng trăm tên địch diễn ra trong 2 đêm 1 ngày Tết Mậu Thân, 8 đồng chí của tôi hy sinh, 6 đồng chí khác bị thương và bị địch bắt sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng". Bà Nghĩa nhớ lại.

“Những đồng đội của tôi đã hy sinh, góp phần cống hiến vào sự nghiệp độc lập tự do của dân tộc. Nhiều người từng hỏi tại sao là phụ nữ mà tôi lại gan đến thế, tôi nghĩ rằng, không chỉ riêng tôi, khi đất nước có chiến tranh thì dù là nam hay nữ cũng luôn sẵn sàng tham gia chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước. Bởi vậy, tôi mong muốn các bạn trẻ hôm nay, với năng lực, điều kiện có được, hãy tiếp tục phấn đấu. cống hiến cho sự nghiệm xây dựng, phát triển đất nước, xứng đáng với những hy sinh của các bậc cha ông đi trước”. Bà Nghĩa bày tỏ. 

Ông Nghiêm Xuân Hoàng, biệt danh Tám Tiến, nguyên Bí thư Quận ủy Quận 1, tham gia trận đánh tại Đài phát thanh Sài Gòn chia sẻ: Nhớ lại thời điểm 55 năm trước, có lẽ cảm xúc của tôi cũng như những người đã từng tham gia vào Cuộc Tổng tiến công đều xúc động, không có lời nào có thể tả hết. Trong trận chiến ấy, biết bao đồng đội của tôi đã ngã xuống, chúng tôi tự hào khi được đóng góp sức lực và xương máu của mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trần Trọng Nhân, cháu nội của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai chia sẻ tại buổi gặp mặt.

Dù mới 12 tuổi những cậu bé Trần Trọng Nhân, cháu nội của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai tuy mới là học sinh Trung học cơ sở, nhưng hằng ngày ngoài giờ lên lớp, Nhân lại là người trực tiếp hướng dẫn giới thiệu tới khách tham quan du lịch ý nghĩa lịch sử những kỷ vật từ thời ông nội mình hoạt động trong lòng địch.

Nhân chia sẻ: “Khi thuyết minh cho các du khách trong và ngoài nước tại các điểm di tích nơi ông nội em và các đồng đội của mình đã sống, làm việc và hoạt động cách mạng em cảm thấy rất tự hà, bởi vì khi xưa ông nội và các chiến sỹ Biệt Động Sài Gòn đã chiến đấu rất mạnh mẽ. Bản thân em tự nhủ cần phải nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” để mang đến cho du khách trong và ngời nước hiểu hơn về truyền thống đấu tranh của cha ông ta”.../.

 

An Nhiên