Ảnh minh họa . (Ảnh: Hoàng Hùng)
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh Lý Kim Chi, gần đây giá cả đầu vào một số sản phẩm tăng, đẩy chi phí sản xuất tăng 20%-30%. Điều này tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm và ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị hàng tết của doanh nghiệp khi nguồn vốn cần sử dụng tăng cao hơn so với các năm trước.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương đánh giá, dù có những thuận lợi, khó khăn đan xen, nhưng 9 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ ước đạt 466.000 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu khá lạc quan của kinh tế - xã hội trên địa bàn TP vừa vượt qua đại dịch COVID-19.
Nhằm ổn định thị trường từ nay đến cuối năm, Sở Công thương TP tiếp tục triển khai công tác bình ổn thị trường hàng hóa nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm; chủ động triển khai các giải pháp tăng cường liên kết vùng nguyên liệu với các tỉnh, thành, thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, dữ liệu tình hình sản xuất cung ứng và thị trường tiêu thụ; hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa có sức chịu đựng, thích ứng, linh hoạt cao trước các tác động của thiên tai, dịch bệnh và tác động khác…
Song song đó, Sở Công thương TP cũng triển khai các chương trình, giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, triển khai hiệu quả hoạt động các hội đồng ngành, kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp; đặc biệt với những doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường thành phố trong dịp tết.
Bên cạnh đó, sẽ triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu mua sắm cuối năm như: Chương trình khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm trên địa bàn thành phố năm 2022 (đợt 2) với chủ đề “Rộn ràng mua sắm mùa xuân”; tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP và các tỉnh, thành năm 2022; tổ chức Hội chợ xúc tiến tiêu dùng năm 2022… Đặc biệt, do TP là thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước, Sở Công thương sẽ phối hợp với các địa phương trong công tác khảo sát, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường cuối năm 2022 và Tết Quý Mão năm 2023.
Qua tìm hiểu, đến thời điểm này các công ty sản xuất kinh doanh ngành lương thực, thực phẩm đã hoàn tất khâu chuẩn bị trại chăn nuôi và trại liên kết để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường từ nay đến Tết Quý Mão 2023. Đáng chú ý, đến thời điểm này, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hệ thống bán lẻ đã gửi danh mục hàng hóa bình ổn thị trường về Sở Công thương TP Hồ Chí Minh với cam kết tăng cung, giữ ổn định giá, đặc biệt là đảm bảo chất lượng./..