Theo mô hình mới, Thành phố bỏ cấp tổ dân phố, tổ nhân dân, giúp giảm từ 27.400 xuống 5.200 khu phố - ấp, tức giảm khoảng 80%. Một khu phố sẽ có ít nhất 450 hộ với bình quân 1.800 nhân khẩu, ấp có 350 hộ trở lên với 1.400 nhân khẩu. Theo quy chuẩn này, hiện TP Hồ Chí Minh có 277 khu phố - ấp dưới chuẩn phải gộp lại, 926 trên chuẩn phải chia tách, còn 801 giữ nguyên.

Số người hoạt động cũng giảm từ hơn 64.000 người còn hơn 26.000 người, tương đương giảm 59%. Trong số này đã có hai chức danh bổ sung cho khu phố - ấp sau khi sáp nhập là chi hội trưởng phụ nữ và bí thư chi đoàn thanh niên. Mỗi khu phố - ấp sẽ có một đội trưởng, dân quân tại chỗ; một tổ bảo vệ dân phố. Điều này giúp TP Hồ Chí Minh tiết kiệm hơn 44 tỷ đồng mỗi năm.

UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá mô hình mới bước đầu sẽ lúng túng bởi số người tham gia điều hành địa bàn giảm đột ngột quá lớn, khoảng 2,5 lần so với hiện tại. Sau khi không còn tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố chỉ còn 5 người hoạt động không chuyên trách, quản lý 350-450 hộ dân, tức bình quân mỗi người quản lý 70-90 hộ. Do đó, những người này cần có khả năng sử dụng công nghệ như Zalo, Viber...

Dù việc thay đổi một bộ máy đã vận hành gần 4 thập kỷ sẽ phải đối mặt nhiều thách thức, nhưng nhiều người cho rằng đây là động lực để TP Hồ Chí Minh thay đổi cách thức quản lý, chuyển từ thủ công sang số hoá. Người dân cũng tăng sự chủ động trong hoạt động hành chính, thay vì phụ thuộc vào tổ trưởng như hiện nay./.

 

Thanh Mai (t/h)