TP Hồ Chí Minh tổ chứcHội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các KCX - KCN.

(Ảnh: Hoàng Tuyết/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho giai đoạn những năm tiếp theo; đánh giá mô hình hoạt động của Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, ngày 27/10, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (Hepza) tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh.

Hiệu quả hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý Hepza cho biết, trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa theo tinh thần Nghị Quyết Đại Hội Đảng lần thứ VI năm 1986, Chính phủ chủ trương làm thí điểm một mô hình kinh tế nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với sự quyết đoán của Chính phủ, cùng với nỗ lực của TP Hồ Chí Minh, mô hình khu chế xuất đầu tiên của cả nước - khu chế xuất Tân Thuận ra đời vào ngày 25/11/1991.

Vượt qua những khó khăn của giai đoạn đầu, từ thành công của mô hình khu chế xuất Tân Thuận, lần lượt các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, cũng như hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước được thành lập. Sau 30 năm phát triển, đến nay TP Hồ Chí Minh đã có 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp đi vào hoạt động; góp phần thực hiện các mục tiêu thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thành phố phát triển.

Lũy kế đến tháng 9 năm 2022, các khu chế xuất, khu công nghiệp đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,33 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45%; bình quân hàng năm các khu chế xuất, khu công nghiệp thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của Thành phố trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của khu chế xuất, khu công nghiệp đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố; trung bình hàng năm nộp ngân sách Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách Thành phố (không kể dầu thô). Các khu chế xuất, khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của Thành phố, trong đó tính riêng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 18%.

Các khu chế xuất, khu công nghiệp bước đầu đã xây dựng và phát triển lực lượng chính trị, cùng doanh nghiệp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Đến nay, Đảng bộ Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố có 15 chi bộ, đảng bộ cơ sở, 189 chi bộ trực thuộc với 1.974 đảng viên. Từ chỗ rất ít tổ chức đảng và đảng viên, nhất là trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước (7 chi bộ, 87 đảng viên lúc mới thành lập Đảng bộ cơ sở năm 1997), đến nay đã có 159 chi bộ đảng với 1.517 đảng viên ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố đã thành lập được 801 tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp với hơn 208.922 đoàn viên và 286 tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản với hơn 4.400 đoàn viên.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý Hepza, một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung là cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”. Cơ chế này ra đời và vận hành lần đầu tiên cùng với việc ra đời và phát triển của khu chế xuất Tân Thuận. Lần đầu tiên trong phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho cơ quan quản lý đặc thù ở địa phương là Ban Quản lý các khu chế xuất TP Hồ Chí Minh con dấu quốc huy và chỉ đạo các Bộ ủy quyền cho Ban Quản lý để xử lý tại chỗ những vấn đề phát sinh tại Khu chế xuất. Với những bước tiến đột phá trong thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” đã được nhân rộng, áp dụng rộng rãi và trở thành nguyên tắc hoạt động của các Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước từ đó đến nay.

Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho giai đoạn những năm tiếp theo

Ông Hứa Quốc Hưng nhấn mạnh, việc phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Đó là, chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào khu chế xuất, khu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; hiệu quả sử dụng đất chưa cao;  mô hình phát triển của các Khu công nghiệp chậm được đổi mới, các Khu công nghiệp chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Liên kết, hợp tác trong khu chế xuất, khu công nghiệp, giữa các khu chế xuất, khu công nghiệp với nhau và giữa khu chế xuất, khu công nghiệp với khu vực bên ngoài còn hạn chế, mức độ nội địa hóa còn thấp. Thiếu các khu công nghiệp chuyên ngành, chuyên môn hóa; hạ tầng phục vụ khu công nghiệp còn thiếu đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư; mô hình quản lý theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” còn nhiều bất cập, quy định về khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ chịu sự điều chỉnh ở cấp Nghị định, chưa được thể chế hóa ở cấp Luật, các văn bản quy phạm pháp luật quản lý chuyên ngành không thống nhất với quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý quy định tại Nghị định quy định về khu công nghiệp, khu kinh tế.

Do đó, trước bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới; phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế trên thế giới; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, sâu rộng; các khu chế xuất, khu công nghiệp được thành lập thời kỳ đầu những năm 90 đã hoạt động được hơn một nửa thời hạn hoạt động 50 năm của dự án; điều đó đặt ra cho các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố, làm thế nào để góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa Thành phố theo hướng hiện đại hóa, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, góp phần phát triển Thành phố trở thành đô thị thông minh, Thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030. Từ đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm của các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố từ nay đến năm 2025 có tính đến năm 2030, cụ thể như sau:

Một là, từng bước chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường.

Hai là, xây dựng các khu công nghiệp mới theo các mô hình: khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nhằm phát triển bền vững các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư bình quân trên 01 ha từ 6,23 triệu USD lên 15 triệu USD vào năm 2025. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp Hiệp Phước thành khu công nghiệp sinh thái. Triển khai 01 khu công nghiệp mới kỹ thuật cao và công nghiệp phụ trợ cho phát triển công nghệ cao.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, những giải pháp tập trung cần thực hiện là nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Xây dựng tiêu chí sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của Thành phố. Xây dựng cơ chế, chính sách và lộ trình chuyển đổi khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao thông qua đổi mới công nghệ.

Chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư. Phối hợp chặt chẽ với các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Trường dạy nghề trên địa bàn Thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp và nhu cầu của doanh nghiệp.

Hoàn thiện mô hình cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức, các tổ chức chính trị trong việc quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp.

Từ thực tiễn xây dựng và phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp trong 30 năm qua, Ban Quản lý kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương: tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa cơ chế “một cửa tại chỗ” để đơn giản các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư, giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh tại khu chế xuất, khu công nghiệp, tạo ra sức hút mạnh cho nguồn vốn đầu tư vào khu chế xuất, khu công nghiệp. Tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước đối với khu chế xuất, khu công nghiệp trên các lĩnh vực quản lý theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 05 năm 2022 của Chính phủ, nhằm xây dựng Ban Quản lý trở thành một cơ quan “đầu mối, tại chỗ” ở địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với khu chế xuất, khu công nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp. Về lâu dài nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành Luật khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế để thống nhất chính sách, chủ trương, điều hành và quản lý đối với hệ thống các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Trong giai đoạn phát triển mới đòi hỏi các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, phát huy cơ chế “một cửa,tại chỗ”, năng động và sáng tạo, để có sự đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, Thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vai trò đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.

CM