Du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19

TP Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn của cả nước về doanh thu, số lượng khách và số lượng doanh nghiệp lữu hành cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Thành phố được đánh giá là địa phương cửa ngõ, đầu mối giao thông kết nối với nhiều tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế... Cùng với đó, địa phương có những điểm nhấn, nét đặc trưng của nhiều kiến trúc, di sản nổi tiếng, cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ đa dạng tạo được sức hút với du khách trong và ngoài nước. 

Qua thời gian triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế-xã hội, ngành du lịch thành phố có sự phục hồi nhanh chóng với chiến lược mở cửa thị trường thu hút sự tham gia đồng bộ của các sở, ngành, doanh nghiệp. Trong 9 tháng năm 2022, doanh thu dịch vụ lữ hành của Thành phố đạt 4.715 tỷ đồng và tăng ấn tượng với 147,3% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 60.955 tỷ đồng, tăng 92,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến tháng 9/2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã đón 21,6 triệu lượt khách nội địa và hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế. 

Xe buýt 2 tầng phục vụ du lịch tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh:TTXVN)

 

Thống kê trên địa bàn Thành phố hiện có hơn 4.000 cơ sở lưu trú với gần 50.000 phòng; khoảng 1.280 doanh nghiệp lữ hành và 6.934 hướng dẫn viên du lịch với gần 60% là hướng dẫn viên quốc tế. 

Địa bàn thành phố có 366 tài nguyên du lịch đã được công bố; tập trung chủ yếu ở 4 nhóm tài nguyên chính gồm: du lịch tự nhiên; du lịch văn hóa vật thể; du lịch văn hóa phí vật thể; du lịch gắn với công trình nhân tạo hấp dẫn. Trên cơ sở phân loại tài nguyên du lịch, ngành du lịch thành phố đã đánh giá tiềm năng du lịch đặc trưng, hình thành các sản phẩm hấp dẫn, kết nối phát triển tuyến, điểm, nâng cao chất lượng và tạo sự phong phú cho điểm tham quan phục vụ khách du lịch trong, ngoài nước.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở du lịch TP Hồ Chí Minh, hơn một năm qua, thành phố đã xây dựng và phát triển hơn 30 chương trình, sản phẩm du lịch nội đô. Hầu hết chương trình này đang được nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đưa vào khai thác kích cầu du lịch. Ngoài ra, ngành du lịch thành phố đang khảo sát gần 20 chương trình du lịch mới. Hàng chục điểm tham quan, sản phẩm du lịch về đêm được tập trung đầu tư, tôn tạo. Đề án xây dựng kết nối tour, tuyến phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến Thành phố được xây dựng. Chưa bao giờ hoạt động du lịch lại trở nên sống động và tạo được dấu ấn đẹp trong cộng đồng và trong lòng người dân TP Hồ Chí Minh cùng du khách như hiện nay.

Tăng cường liên kết để phát triển

Để tiếp tục phát triển du lịch bền vững, TP Hồ Chí Minh đã và đang xác định liên kết hợp tác phát triển du lịch là một trong những giải pháp quan trọng. Liên kết sẽ tạo ra một sức bật mới cho từng tỉnh, thành, qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu của du lịch từng địa phương. Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã khôi phục mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 trong bối cảnh thành phố đẩy mạnh liên kết, kết nối du lịch với các địa phương. 

TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh liên kết với nhiều địa phương, tỉnh, thành trên cả nước. Cụ thể, TP đã  liên kết phát triển du lịch với nhiều tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Bắc mở rộng, vùng Đông Bắc, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định), TP Hà Nội và Vùng Bắc Trung Bộ mở rộng (các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) nhằm kết nối các tỉnh, thành và vùng miền theo chiều dài đất nước từ Nam chí Bắc. 

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết tháng 10/2021, khi dịch bệnh COVID-19 có những tín hiệu được kiểm soát, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức kết nối trở lại với các địa phương hoạt động du lịch liên tuyến, liên vùng nhằm thúc đẩy nhu cầu du lịch và phục hồi hoạt động của ngành. Với sự độc đáo, đa dạng và phong phú về tài nguyên du lịch tự nhiên có núi, có sông, có biển, có đảo, có di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; với nhiều hướng tiếp cận thuận lợi bằng đường hàng không cũng như đường bộ; với nhiều cửa khẩu quốc gia, TP Hồ Chí Minh tin rằng, liên kết sẽ tạo ra một sức bật mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu của du lịch từng địa phương cũng như thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế.

Mới đây, TP Hồ Chí Minh cũng vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các sở, ngành, hiệp hội tỉnh Vĩnh Long; ký kết giữa TP. Thủ Đức, các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh với các huyện, thị xã, thành phố của Vĩnh Long nhằm phát triển du lịch và thương mại.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng, với các yếu tố giao thông ngày càng thuận lợi, Vĩnh Long trở thành điểm kết nối quan trọng và thuận tiện giữa TP Hồ Chí Minh với Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối hai thị trường lớn và bậc nhất của phía Nam với thị trường nội vùng lên đến 40 triệu dân. Bà Phan Thị Thắng đã đề nghị sở, ngành của cả hai địa phương cần ghi nhận và trao đổi đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác phối hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai các dự án, tiếp tục nghiên cứu để liên kết, đầu tư trong thời gian tới. 

Đại diện Hiệp hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương
ký kết hợp tác chương trình kích cầu du lịch. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với đó, nhằm tăng cường liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch liên tỉnh giữa TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã phối hợp Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai tổ chức tour khảo sát và tọa đàm kết nối nối phát triển du lịch đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trong ngày 18 và 19/11. Đại diện Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương đã ký kết hợp tác chương trình kích cầu du lịch, trong đó chú trọng khảo sát, nghiên cứu đưa ra sản phẩm, dịch vụ liên tỉnh mới vào phục vụ du khách trong và ngoài nước

Theo ông Nguyễn Hữu Ân, Phó trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, từ tháng 8/2022 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được 3 sản phẩm tour khảo sát các điểm đến Đồng Nai để cộng đồng doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đưa vào khai thác, chào bán đến du khách trong và ngoài nước. Qua mỗi chuyến khảo sát, doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành TP Hồ Chí Minh sẽ dựa trên các điểm đến, loại hình giao thông khai thác có thể sáng tạo thêm những sản phẩm du lịch mới lạ, mang đến nhiều sự lựa chọn cho du khách. Những hoạt động này sẽ mang lại cơ hội kích cầu du lịch nội địa, góp phần tăng trưởng ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành trên cả nước./.

Khánh Vy (th)