Sĩ số học sinh/lớp đang là một trong những áp lực của các trường học. (Ảnh: N.D)

 

Cụ thể, từ năm 2016 đến 2020, thành phố cần 14.097 phòng học, trong đó Mầm non 6.035, tiểu học 4.412, THCS 2.382, THPT 1.268. Tuy nhiên, số phòng học được đầu tư từ ngân sách và đưa vào sử dụng chỉ 6.115, tương đương 43,38% mục tiêu. Đến năm 2025, Sở ước tính số phòng học cần bổ sung là 8.889. Trong đó, tiểu học cần nhiều nhất - 4.798 phòng, THCS 2.330, mầm non 1.011 và THPT 750.

Xét theo khu vực, 10/22 địa bàn của thành phố đạt chỉ tiêu 300 phòng học trên 10.000 dân, gồm thành phố Thủ Đức, các quận 1, 3, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, huyện Nhà Bè, Cần Giờ.

Sở GD&ĐT Thành phố cũng chỉ ra những khó khăn về công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng trường lớp. Nguyên nhân là do việc thực hiện chỉ tiêu quy hoạch đất giáo dục tại các quận, huyện đến nay còn thấp so với chỉ tiêu TP phê duyệt. Việc kiểm soát tình hình nhập cư vào các địa bàn quận, huyện cửa ngõ và tập trung các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hiệu quả dẫn đến dân số cơ học tăng nhanh làm ảnh hưởng đến công tác dự báo, phá vỡ các đồ án quy hoạch đã phê duyệt, tạo áp lực về cơ sở hạ tầng và nhu cầu chỗ học cho con em trong độ tuổi đi học.

Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 hiện cho thấy gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn ngân sách, quỹ đất sạch phù hợp với quy hoạch giáo dục cơ bản đã triển khai thực hiện. Còn nhiều dự án vướng công tác bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến khó và chậm triển khai theo kế hoạch đề ra, ảnh hưởng nhiều đến số phòng học dự kiến đưa vào sử dụng hằng năm theo kế hoạch. Việc thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội hóa để phát triển hệ thống trường lớp còn hạn chế do chưa có nhiều chính sách ưu đãi và các quy định về điều chỉnh quy hoạch và mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trường học tại các khu đất có chức năng quy hoạch đất ở./..

Mai Hạnh