Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức phát biểu khai mạc.

Ngày 4/4/2023, UBND TP Thủ Đức tổ chức hội thảo “Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng GIS dùng chung để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư và các lĩnh vực khác trên địa bàn TP Thủ Đức”.

Hệ thống thông tin địa lý (GIS) là một công nghệ hữu ích trong quản lý, lưu trữ, xử lý, tích hợp dữ liệu đô thị có tọa độ với các dạng dữ liệu khác nhau. Hệ thống GIS ngày càng được sử dụng phổ biến trong các lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích cho chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, quản trị đô thị, cung cấp, chia sẻ thông tin quản lý đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân có nhu cầu sử dụng, tạo nền tảng để các doanh nghiệp có thể phát triển ứng dụng quản lý, cung cấp dịch vụ, tạo môi trường tương tác, kết nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, hệ thống GIS là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong quản lý, thống kê, báo cáo, ra quyết định của lãnh đạo, tạo sự đồng bộ, thống nhất cơ sở dữ liệu, tối ưu các dịch vụ công, hiện đại hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp giúp giảm các quy trình thủ tục, rút ngắn được thời gian và chi phí thực hiện.

Đối với doanh nghiệp, hệ thống GIS cho phép khai thác, chia sẻ các thông tin pháp lý, thông tin quy hoạch xây dựng, đô thị. Tùy vào mức độ phát triển của hệ thống có thể cho phép các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính theo các cấp độ khác nhau như xin cấp phép xây dựng, cung cấp thông tin quy hoạch. Đối với người dân, Hệ thống GIS có thể hỗ trợ tra cứu thông tin về chính sách pháp luật, quy hoạch xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn, phản ánh kịp thời những vi phạm, bất cập và thúc đẩy người dân tham gia công tác quản lý đô thị.

leftcenterrightdel
Đại diện các nhà khoa học đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học cũng nêu hiện trạng cơ sở dữ liệu đô thị tại TP Thủ Đức còn nhiều hạn chế, bất cập như dữ liệu của các ngành, lĩnh vực được xây dựng, lưu trữ rời rạc, phân tán ở các cơ quan quản lý, dữ liệu ở các định dạng khác nhau… Do đó, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung trên nền tảng GIS dùng chung rất cần thiết trong công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo TP; đồng thời, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác cho doanh nghiệp, người dân góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng TP thông minh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, hiện nay, TP Thủ Đức đang thực hiện chính sách phát triển theo hướng công nghệ, định hướng xây dựng và phát triển thành phố thông minh và sáng tạo. Để đạt được kết quả tốt, đúng hướng thì việc phát triển Hệ sinh thái số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, thường xuyên của thành phố. UBND TP Thủ Đức được giao triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng GIS dùng chung để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư và các lĩnh vực khác trên địa bàn TP Thủ Đức”. Với mong muốn tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất, xây dựng nền tảng ứng dụng đồng bộ, kết nối, liên thông nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ nhanh chóng cho người dân và doanh nghiệp.

UBND TP Thủ Đức đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án và Hội thảo nhằm mục đích tổng hợp, tiếp thu những ý kiến, nhận định, đề xuất giải pháp của các nhà quản lý và các chuyên gia về xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng GIS dùng chung để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư và các lĩnh vực khác trên địa bàn Thành phố Thủ Đức và tiến hành hoàn thiện nội dung dự thảo Đề án và trình UBND TP Hồ Chí Minh xem xét phê duyệt.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Hữu Tuấn đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Báo cáo đề dẫn, ông Nguyễn Trần Phú Thịnh, Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ cho rằng, rất cần thiết để xâydựng và triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung trên nền tảng GIS dùng chung cho TP Thủ Đức. Nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp thông tin nhanh chóng cho người dân và doanh nghiệp với các nội dung như: Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và Hệ sinh thái dữ liệu mở của thành phố thủ Đức; Thu thập, quản lý, tích hợp và chia sẻ dữ liệu của các sở, ban, ngành thuộc TP Hồ Chí Minh và các phòng ban thuộc thành phố Thủ Đức; Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS cho các ngành, lĩnh vực khác: y tế, kinh tế, tư pháp, lao động thương binh xã hội, giáo dục và đào tạo, tôn giáo…; Xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám hỗ trợ quản lý các lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, và các lĩnh vực khác;  Xây dựng các ứng dụng tác nghiệp, công cụ quản lý và phân tích dữ liệu cho các phòng ban thuộc Thành phố Thủ Đức; Xây dựng quy chế tích hợp, chia sẻ, vận hành và khai thác kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái mở của thành phố Thủ Đức…

Ông Nguyễn Trần Phú Thịnh nhấn mạnh: Đây là nền tảng tạo dựng lý thuyết hệ thống, là hình mẫu tiến tới hình thành khung pháp lý để các dự án thành phần liên quan thực hiện theo. Hỗ trợ hiệu quả cho các cấp lãnh đạo quản lý trong việc xem thông tin, thống kê, báo cáo ra quyết định được nhanh chóng, chính xác. Rút ngắn được thời gian giải quyết hồ sơ, cung cấp thông tin nhanh tới người dân và doanh nghiệp. Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ iệu đô thị trên nền tảng GIS dùng chung tại địa bàn TP. Thủ Đức sau khi triển khai.

Đánh giá hiện trạng dữ liệu không gian địa lý tại TP Hồ Chí Minh và kinh nghiệm triển khai nền tảng chia sẻ dữ liệu không gian địa lý Tài nguyên Môi trường, ông Bùi Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết: Hầu hết các dữ liệu (khoảng trên 80%) đều có thể là dữ liệu không gian địa lý. Nhưng thực tế dữ liệu không gian địa lý chưa được chú trọng trong các cơ quan nhà nước, mà t ất cả các dữ liệu (không gian địa lý) đều có giá trị. Ngược lại, không phải ai cũng thấy được giá trị hoặc chưa có cơ hội để khai thác giá trị của dữ liệu. Do đó, cần theo hướng Open Data để tạo ra nhiều giá trị hơn cho dữ liệu.

Ông Bùi Hồng Sơn chia sẻ, do thiếu phương pháp luận và giải pháp công nghệ để chia sẻ dữ liệu giữa các bộ phận trong một tổ chức và giữa các tổ chức khác nhau. Vì vậy, cần kiến tạo một mô hình chia sẻ dữ liệu không gian địa lý trong tổ chức và bên ngoài tổ chức một cách nhất quán. Chính vì lẽ đó, Lãnh đạo phải thay đổi phương thức điều hành dựa trên dữ liệu.

Trình bày Mô hình kiến trúc tổng thể, tích hợp, chia sẻ dữ liệu hệ thống thông tin địa lý và hệ sinh thái mở, hình thành kho dữ liệu đô thị tập trung trên địa bàn TP Thủ Đức, ông Nguyễn Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tin học - Bản đồ Việt Nam cho rằng, hệ thống GIS dùng chung cho phép người dùng chia sẻ và cộng tác trên dữ liệu không gian và phân tích, cho phép nhiều người dùng làm việc đồng thời trên cùng một dự án. Một hệ thống GIS dùng chung có thể tích hợp với các hệ thống khác, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu và ứng dụng phần mềm, để cung cấp quy trình công việc và trao đổi dữ liệu một cách liền mạch; Hệ thống GIS dùng chung có thể được truy cập thông qua trình duyệt web, cho phép người dùng làm việc từ xa và truy cập dữ liệu và phân tích từ bất kỳ đâu có kết nối internet…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp miền Nam - Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel Nguyễn Hữu Tuấn ủng hộ và hoan nghênh mô hình mà TP Thủ Đức triển khai và cho rằng cần cân nhắc về mục tiêu và nguồn lực. Bởi khi mục tiêu quá rộng thì nguồn lực sẽ không đảm bảo và khó triển khai. Bên cạnh đó, cần phải bám vào chiến lược dữ liệu của TP, trong đó chủ yếu tập trung vào hai nhóm là đất đai và con người.

“Phải lấy người dân làm trung tâm, phục vụ vì mục đích gì của người dân, cần đột phá trong công tác thủ tục. Ví dụ trong hành chánh để người dân tương tác và phản ánh nhanh chóng về quy trình, thủ tục. Trong y tế, kết nối các cơ sở khám, chữa bệnh để bất kì người dân khi thăm khám chỉ cần dùng một cái app đã tích hợp đầy đủ dữ liệu để có thể khám ở bất cứ nơi nào... ”- Ông Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng khi TP có dữ liệu về sức khỏe của người dân, có dữ liệu về giáo dục, y tế.. thì TP Thủ Đức cần nhanh chóng đồng bộ và kết nối dữ liệu này với nền tảng dữ liệu của TP Thủ Đức./.

 

Chi Mai