Ngày 28/11, tại TP Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam phối hợp Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức Triển lãm “Vượt qua những hạt cát của thời gian” nhằm tôn vinh mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia, cũng như những đóng góp của Ba Lan trong việc bảo vệ các di sản thế giới.
Triển lãm “Vượt qua những hạt cát của thời gian” giới thiệu những đóng góp của Ba Lan trong lĩnh vực bảo vệ các di sản thế giới, cũng như hoạt động khám phá và nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia khảo cổ học và bảo tồn di tích của Ba Lan trên khắp thế giới, gồm: Sudan, Ai Cập, Syria, Campuchia, Peru, Bolivia, Chile, Ecuador, Tanzania, Mỹ và Việt Nam.
Giảng viên và sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng xem triển lãm “Vượt qua những hạt cát của thời gian”. (Ảnh: Minh Khang)
Theo ông Piotr Harasimowic, Trưởng Văn phòng đầu tư và xúc tiến thương mại Ba Lan tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam, các nhà khoa học, nhà khảo cổ học và nhà bảo tồn di tích Ba Lan được đánh giá cao trên thế giới nhờ những thành tựu trong việc bảo tồn, nghiên cứu và quản lý di sản, phát triển các phương pháp và công nghệ nghiên cứu mới, đồng thời tham gia vào các dự án liên ngành và diễn đàn khoa học quốc tế.
Ông Piotr Harasimowic mong rằng, thông qua triển lãm “Vượt qua những hạt cát của thời gian”, những thành tựu của các chuyên gia Ba Lan trong lĩnh vực bảo tồn di tích và khảo cổ học sẽ được biết đến và tham khảo nhiều hơn.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng Võ Hoàng Duy cũng cho rằng, triển lãm này sẽ cung cấp thêm thông tin cho công chúng về những thành tựu đáng ngưỡng mộ của các chuyên gia Ba Lan trong lĩnh vực bảo tồn di sản và khảo cổ học; đồng thời, góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị bền vững Việt Nam - Ba Lan ngày càng tốt đẹp./..
Kể từ năm 1981, sau khi UNESCO phát động cuộc vận động quốc tế nhằm bảo vệ các di tích tại Việt Nam, Ba Lan có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam và ngay lập tức hưởng ứng lời kêu gọi: Thành lập Phái bộ Bảo tồn Di sản Ba Lan-Việt Nam. Một trong những nhà khảo cổ học người Ba Lan được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam đó là kiến trúc sư và nhà bảo tồn di tích Kazimierz Kwiatkowski, người được gọi với tên thân mật tại Việt Nam là "Kazik". Ông nổi tiếng với những nỗ lực bảo tồn các di tích lịch sử và khảo cổ ở Việt Nam như: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn, những nơi hiện nằm trong danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Chính những hoạt động của kiến trúc sư Ba Lan này đóng vai trò quan trọng đối với các di tích văn hóa Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. |