Vừa bước vào quán “Lặng” ta có cảm giác nhẹ nhàng, thư thái .(Ảnh: Chi Mai)

Vừa bước vào quán “Lặng” ta có cảm giác nhẹ nhàng, thư thái và như khoảng lặng vậy. Không gian không ầm ĩ, không la hét, không khí trầm xuống, tạo sự giao thoa giữa con người và cảnh vật. Trong khung cảnh thơ mộng ấy, ai cũng muốn khẽ khàng thưởng thức ly café và ôn lại những kỷ niệm đẹp đã qua.

Nói về ý tưởng mở quán “Lặng”, anh Mạnh chủ quán cho biết, anh là người sống đúng mực, đến tuổi nghỉ ngơi anh có ý tưởng độc đáo, tìm ao cá, căn nhà nho nhỏ  làm nơi thu hút bạn bè đến vui chơi, đàm đạo. Sau khi mua miếng đất về anh thấy nó dễ thương, bạn bè đến vô cùng thích thú. Trong đó, nhiều kiến trúc sư góp sức thiết kế để quán thêm đẹp. Từ đó, anh nghĩ rằng mình tổ chức thành hội quán - nơi  bạn bè anh em tới giao lưu. Việc bán café không nhằm mục đích kinh doanh mà chỉ mong muốn lưu giữ một cảnh quan xanh giữa lòng TP. Chính vì thế, nhiều khách tới không ăn uống tại quán, thậm chí tự mang đồ ăn rồi chụp ảnh, ngắm cảnh…anh không thu vé chỗ ngồi, để cho khách tự do, vui chơi thoải mái.

Anh Mạnh kể rằng, thời trai trẻ anh có học tập và sinh sống ở Đà Lạt. Cái hồn Đà Lạt in sâu vào tâm trí anh cũng là nơi cho ra đời quán café “Lặng”. Đà Lạt- Nơi đó có người con gái anh từng yêu tên “Thùy”. Mối tình thơ ngây trong sáng của thời trai trẻ không thể nào quên. Đặc biệt hơn là người con gái hẹn ước ấy đã mất liên lạc với anh. Hồi đang yêu, cô Thùy đã hứa rằng :”Nếu sau này anh quay lại tìm em. Anh lấy dấu mốc cây thông cổ và hàng café già này nhé, bởi nhà em sẽ không bao giờ đốn nó”


Đà Lạt xanh giữa lòng TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Chi Mai)

Thời gian cứ thế trôi đi, kỷ niệm tưởng chừng nhạt phai nhưng nó lại được hiện về trong một lần anh đi họp lớp. Khi lớp chia tay, nhóm của anh gồm 5 người đi xe 7 chỗ đi Nha Trang vãn cảnh. Anh ngồi hàng ghế cạnh anh Giang giám đốc công ty xăng dầu cũng là lái xe và kể cho cả đoàn xe nghe câu chuyện “người xưa”, rằng ngày xưa tôi có nhiều kỷ niệm đẹp trên Đà Lạt. Lúc học đại học, tôi đã  yêu cô gái tên Thùy, cùng cô đi lên đồi Cù dạo chơi. Tình yêu khi đó rất trong sáng, chỉ bằng ánh mắt nhìn nhau, cái nắm tay đầy tình cảm, chúng tôi đã phải lòng nhau và hẹn rằng nếu thất lạc nhau sẽ tìm về nơi ấy với dấu hiệu cây thông cổ thụ và hàng café.

Anh Giang lái xe nghe rất nhập tâm, lái qua gốc cua quẹo giữa đường Đà Lạt xuống Đơn Dương, tới Phan Rang bỗng dưng khựng lại hỏi: “Anh Mạnh! Có phải là nơi đây không? Phải cây thông này không? ”. Anh Mạnh kêu xe dừng lại và tim đập liên hồi, như có thần giao cách cảm, anh và các bạn xuống xe vào ngôi nhà ven đường. Lúc này anh xao xuyến hơn thời trẻ. Trước mắt anh là cô Thùy đang làm rẫy, cô chưa kịp chuẩn bị gì hết, chưa  kịp vuốt lại mái tóc, bước ra và gọi tên “Anh Mạnh” .Anh Mạnh lập tức nhận cô luôn và cô đã khác xưa nhiều, với mái tóc trắng, cặp mắt nhăn nheo. Anh thấy sao cuộc đời trôi nhanh quá và thời gian là sự phản bội ghê gớm, bởi cô Thùy của ngày hôm nay đã  bước sang “tuổi xế chiều”, tóc đã bạc, chân đã chậm, không còn là cô Thùy của ngày xưa nữa. Anh giải thích vì sao nhận ra cô liền. Bởi vì ngày xưa cách 38 năm trước, anh tới chơi nhà cô, má cô là bác Tư Tuồng khoảng tuổi cô giờ. Anh chắp nối lại kỷ niệm trước đó, khoảnh khắc cứ vậy ùa về ngay lập tức anh nhận ra cô.

Trong khung cảnh thơ mộng ấy, ai cũng muốn khẽ khàng thưởng thức ly café. (Ảnh: Chi Mai)

 Gặp lại nhau, cả đoàn xe 5 người xúc động quá òa khóc, Bác Tư tuồng khóc, cô Thùy khóc, anh Giang lái xe khóc, anh Mạnh khóc, các bạn anh cũng khóc. Tất cả như một cơ duyên trời đem đến. Họ gặp nhau khi tuổi không còn trẻ. Anh Mạnh đã có gia đình hạnh phúc tại TP Hồ Chí Minh với 2 con trưởng thành, còn cô Thùy li dị chồng và nuôi các con. Họ gặp lại khi cô Thùy không còn vẻ đẹp rạng ngời, thanh xuân như xưa…

Anh Mạnh kể lại sau này có hỗ trợ xây nhà cho cô Thùy. Anh không muốn ký ức xưa làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại. Và mong để lại cho cô một cái kết có hậu. Từ đó trở đi, anh Mạnh không trở lại gặp cô nữa….

Quán “Lặng” vì thế đã đẹp và thơ mộng hơn bởi mối tình lãng mạn giữa chàng trai TP Hồ Chí Minh với cô gái Đà Lạt, để rồi chàng trai đó đã mang cả Đà Lạt về với TP Hồ Chí Minh, để giữa TP Hồ Chí Minh tất bật, xô bồ ta bắt gặp một nơi bình dị, mộc mạc và nhẹ nhàng đến thế - một Đà Lạt thơ mộng trong lòng TP.

Chia tay chủ quán, vương vấn trong tôi về chuyện tình yêu đẹp mà dở dang, nhưng rất nhân văn, bởi cuối cùng họ đã tìm thấy nhau trong một không gian hoàn toàn khác xưa. Và rồi họ vẫn luôn sống, luôn nhớ về nhau và ghi dấu những kỉ niệm đẹp. Qua đó, lưu được hồn quán cho thế hệ mai sau./.

Chi Mai