Sơ đồ cao tốc TP Hồ Chí Minh- Mộc Bài qua địa bàn huyện Củ Chi. (Ảnh: ITN)

Theo đó, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 20.889 tỷ đồng, dài khoảng 50 km (đoạn TP Hồ Chí Minh 23,7km, đoạn Tây Ninh 26,3km).

Đây là tuyến giao thông đường bộ ngắn nhất kết nối TP Hồ Chí Minh với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài; phục vụ phát triển chuỗi công nghiệp Mộc Bài – TP Hồ Chí Minh - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất dọc tuyến, đặc biệt là Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Dự án dự kiến khởi công năm 2024 và phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2027.

Được biết, Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã báo cáo, đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bổ sung dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài giai đoạn 1 vào danh mục các dự án thí điểm chính sách về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội thống nhất bổ sung trong Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài Bài do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Dự án này dự kiến thu hồi khoảng trên 200 ha đất ở các xã: Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Nhuận Đức, Phước Hiệp, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng và Phước Thạnh (huyện Củ Chi).

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của hai địa phương và Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án.

Lãnh đạo Sở Giao thông vân tải TP Hồ Chí Minh cho biết với dự án này, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh sẽ tự thực hiện giải phóng mặt bằng, phần xây lắp sẽ thực hiện theo hợp đồng BT.

Còn theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Tây Ninh, hiện nay trục kết nối giao thông chính giữa TP Hồ Chí Minh với Tây Ninh và các nước trong khu vực là quốc lộ 22. Tuy nhiên, tuyến giao thông này đã bị quá tải từ lâu, các phương tiện thường xuyên chịu cảnh kẹt xe kéo dài mới về được tới Tây Ninh. Như vậy, hiệu quả kết nối giữa tỉnh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là chưa cao.

Do đó, việc xây dựng tuyến cao tốc này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế tỉnh Tây Ninh. Chính vì vậy, nhiều năm nay tỉnh Tây Ninh luôn kỳ vọng dự án sớm được đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và khu vực.

Giao thông thuận lợi sẽ góp phần phát triển đột phá về kinh tế. (Ảnh: ITN)

Vai trò kinh tế của tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh- Mộc Bài là rất quan trọng, bởi đây là một trong sáu hành lang kinh tế của TP Hồ Chí Minh kết nối với Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, cao tốc cũng nằm trong hành lang kinh tế kết nối đông tây phía Nam, bắt đầu từ Vũng Tàu – TP Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Thái Lan - Campuchia - Myanmar.

Hơn hết, Tây Ninh là cửa ngõ kết nối với cửa khẩu Mộc Bài - Ba Vẹt và giao thương trực tiếp với các nước ở khu vực Mekong. Chính vì vậy, đầu tư tuyến cao tốc này là yêu cầu bức thiết bởi không chỉ kết nối kinh tế liên vùng mà còn kết nối đa quốc gia.

Khi Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài được đưa vào sử dụng sẽ giảm hao phí về thời gian và vật chất, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh cho kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, cao tốc đi qua ba huyện của tỉnh Tây Ninh với chiều dài 28 km, đây là trục động lực góp phần phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ là tuyến đường bộ ngắn nhất kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP Hồ Chí Minh với Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài - Ba Vẹt.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ bắt đầu từ đường vành đai 3 (huyện Hóc Môn), đi song song đường sắt Tân Chánh Hiệp - Trảng Bàng (Tây Ninh). Đến khu vực ga đường sắt Gò Dầu rẽ phải, cắt qua quốc lộ 22B rồi tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía quốc lộ 22 kết nối với cửa khẩu Mộc Bài./..

PV (t/h)