Đặc sản của ĐBSCL.

Ngay trong năm 2023, theo kế hoạch, TP Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương; tổ chức chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong các năm 2024 - 2025, các địa phương sẽ tập trung thực hiện 5 lĩnh vực gồm phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, việc triển khai thỏa thuận nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, việc triển khai thỏa thuận cũng giúp tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên; trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.

Ngoài ra còn tạo điều kiện, cơ hội trong việc liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

TP Hồ Chí Minh sẽ huy động nguồn lực để cùng các tỉnh triển khai chương trình một cách hiệu quả theo kế hoạch.

Kết quả hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua đã thật sự có sức lan tỏa rộng khắp trên các lĩnh vực đầu tư, xúc tiến đầu tư-thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin-truyền thông và các hoạt động an sinh xã hội...

Chủ tịch Uỷ ban Nhân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho rằng: Bến Tre cách TP Hồ Chí Minh 86km, vị trí trung tâm của tuyến giao lưu kinh tế với Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam thông qua hệ thống đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương-cầu Rạch Miễu-cầu Cổ Chiên kết nối với tỉnh Trà Vinh và các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, có thể phát huy lợi thế về vị trí địa lý, là đầu mối giao thương hàng hóa và trở thành vệ tinh của vùng đô thị TP Hồ Chí Minh.

Thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp với tỉnh Vĩnh Long xây dựng cầu Ðình Khao, cầu Tân Phú… hứa hẹn tạo sự phát triển. Tuyến đường bộ ven biển kết nối Bến Tre với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, tạo động lực tăng trưởng mới, đột phá, giúp tăng cường kết nối các đô thị ven biển thuộc ba huyện Bình Ðại, Ba Tri và Thạnh Phú (Bến Tre), liên kết giữa Bến Tre với Trà Vinh, Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Cần Thơ Trần Việt Trường, TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh đã liên kết trên nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ðáng kể nhất là ngành y tế hai địa phương đã thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh tại bốn đơn vị tuyến TP Cần Thơ và các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh. Hiện bốn bệnh viện tại TP Cần Thơ đã được đào tạo và tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật cao từ các bệnh viện hạt nhân tại TP Hồ Chí Minh; đồng thời, tiếp nhận nhiều trang thiết bị được đầu tư trọng điểm từ đề án và đang triển khai hiệu quả, nâng cao chất lượng khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho hay, TP Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn kết mật thiết, có tác động qua lại về mọi mặt. Sự phát triển của thành phố không thể tách rời mà phải kết nối chặt chẽ với từng địa phương trong vùng. Ðể phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của các bên, việc liên kết phát triển phải tạo lập được không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng và thành phố. Việc hợp tác cần trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu mà từng địa phương, từng doanh nghiệp có lợi thế, từ đó tạo ra môi trường thuận lợi, tạo tiền đề cho sự phát triển chung cho cả vùng.

Thực tế cho thấy, ba vấn đề chủ yếu hiện nay cần giải quyết là kết nối giao thông; kết nối cung-cầu trong đầu tư phát triển nông nghiệp và đầu tư; phát triển nguồn nhân lực y tế giữa TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long làm sao tập trung hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Kết nối vùng phát triển kinh tế. (Ảnh: ITN)

 

Ông Phạm Thiện Nghĩ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Ðồng Tháp cho rằng, các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng đang được đầu tư, nhưng còn chậm đưa vào khai thác làm cho vùng thiếu nguồn lực mới để phát triển, nhất là hệ thống giao thông kết nối với TP Hồ Chí Minh vẫn còn hạn chế, mất nhiều thời gian lưu chuyển hàng hóa, chi phí vận chuyển gia tăng. Do đó, việc xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện trong phát triển kinh tế-xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố trong vùng là nhu cầu tất yếu khách quan, mở ra cơ hội lớn trong khai thác tối đa tiềm năng lợi thế giữa các địa phương.

Theo Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, kết nối nguồn lực lao động là vấn đề cần được quan tâm hiện nay. Ðồng bằng sông Cửu Long cung cấp nguồn lao động cho TP Hồ Chí Minh và ngược lại TP Hồ Chí Minh cung cấp đội ngũ chất lượng cao cho Đồng bằng sông Cửu Long để cùng nhau phát triển.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, sự phát triển của TP Hồ Chí Minh có đóng góp rất lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng khác. Thành phố không thể phát triển nhanh, bền vững nếu thiếu sự hợp tác, hỗ trợ của Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng khác. Ðiều quan trọng là cách thức triển khai như thế nào để mang lại hiệu quả. Do đó, mỗi địa phương thật sự quan tâm chỉ đạo công tác này, đồng thời, chủ động rà soát và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trong đó, thành phần quyết định thành công của sự hợp tác này là các hiệp hội và doanh nghiệp, những nhà đầu tư thật sự. Thành phố cũng cam kết sẽ tạo điều kiện và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có đầu tư ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long cũng cần quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, cập nhật tiến độ chương trình hợp tác, nghiên cứu xây dựng trang web cập nhật công việc chung và công việc riêng với từng địa phương để cùng thúc đẩy phát triển.

Được biết, TP Hồ Chí Minh có vị trí quan trọng, là động lực, đầu tàu dẫn dắt với vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo,... của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Ðồng thời, có nguồn nhân lực chất lượng cao, là thị trường tiêu thụ lớn, cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Thành quả phát triển của TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước./..

 

PV(t/h)