Vươn lên trong khó khăn

Một góc Cần Giờ. (Ảnh: UBCG)

 

Huyện còn có 10.000 ha đất và mặt nước biển có khả năng nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn và gần 1.500ha đất có khả năng sản xuất muối; cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt phủ khắp các mảng rừng phòng hộ rộng lớn là cơ sở để phát triển thủy sản và các loại hình du lịch sinh thái, là 2 ngành kinh tế chủ lực của huyện, tạo ra nguồn thu nhập cho phần lớn cư dân Cần Giờ.

Từ xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, điều kiện kinh - tế xã hội huyện Cần Giờ còn nhiều khó khăn; thu nhập dân cư thấp, còn chênh lệch nhiều so với mức trung bình của Thành phố, hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ lớn; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa khu trung tâm huyện.

Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Cần Giờ đã tận dụng những lợi thế về du lịch, nuôi trồng thủy sản cùng với các nguồn lực khác để hôm nay, vùng đất này đã có những khởi sắc, từng bước nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Những năm qua, nhiều quận, huyện, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều chương trình, hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho Cần Giờ trong nhiều lĩnh vực như: đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ vật tư xây dựng giao thông nông thôn, hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện phục vụ cho các hộ sản xuất. Ðáng chú ý là hỗ trợ thi công hệ thống đèn chiếu sáng khu vực Công viên Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn; thực hiện các tuyến đường giao thông nông thôn; xây dựng và sửa chữa hàng trăm nhà tình nghĩa, nhà tình thương; hỗ trợ vốn để trang bị chăn nuôi, phương tiện sản xuất; thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo;...

Trong vài năm trở lại đây, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự chung tay hỗ trợ của các doanh nghiệp, đơn vị, Thạnh An đã xây dựng được mô hình du lịch "phượt" thu hút du khách, nhất là giới trẻ. Theo lãnh đạo xã Thạnh An, mỗi tuần có gần 1000 lượt khách đến du lịch ở xã đảo này. Ðiều đó đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên đảo. Từ tháng 4/2016, nhờ có hệ thống điện lưới quốc gia kéo về, đời sống của người dân ở đây cũng đã có rất nhiều đổi khác. Bên cạnh việc mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, nguồn điện ổn định còn giúp người dân đầu tư mở rộng diện tích nuôi hải sản cho thu nhập ổn định.

Với xã Lý Nhơn, sự quyết tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương đã giúp vùng đất vốn được biết đến là "không điện, không nước sạch" khoác lên mình mầu áo đầy sức sống. Qua giai đoạn một thực hiện, Lý Nhơn được công nhận là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Cần Giờ. Ðáng chú ý, người dân đã hiến đất với tổng diện tích khoảng 250.000 m2 để xây dựng hạ tầng. Nhiều hộ dân hiến đất để làm công trình giao thông mà không nhận tiền đền bù.

Hơn chục năm qua, toàn huyện quyết tâm đưa mặt bằng văn hóa tiến nhanh. Đầu tư xây dựng  hàng chục công trình trường học. Đến nay, toàn huyện đã có trên ba chục trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trên hai chục trường đạt chuẩn quốc gia các cấp độ. Hàng năm trên địa bàn huyện Cần Giờ tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình bậc tiểu học, học sinh bậc trung học cơ sở tốt nghiệp đạt gần 100%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp bậc trung học phổ thông rất cao.

Hệ thống tổ chức chính trị ở Cần Giờ luôn được củng cố và kiện toàn, nâng cao chất lượng, hoạt động có hiệu quả; các tổ chức chính trị - xã hội được giữ vững trong sạch, vững mạnh. Đội ngũ cán bộ chuẩn hóa về trình độ, có năng lực thực hiện nhiệm vụ, năng động, nhiệt tình trong công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, tạo bước chuyển biến tích cực cho cả hệ thống chính trị

Điều đáng đề cập đó là tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững và ổn định, đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời các loại tội phạm; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tăng cường, đi vào chiều sâu. Tình hình an ninh trật tự và phạm pháp hình sự hàng năm luôn được kéo giảm; tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông được kiềm chế; không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp…

Có được kết quả này là do công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện luôn được chú trọng, nhận thức của cả hệ thống chính trị và về vai trò gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên được nâng lên; trình độ của đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã được chuẩn hóa, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; nhân dân có sự đồng thuận, tin tưởng và chủ động tham gia tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Cũng từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, đã có nhiều gương điển hình tập thể và cá nhân trong hiến đất làm đường, trong phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, vượt khó vươn lên làm giàu, hiếu học... làm cơ sở tổng kết, xác định rõ hơn nội dung, cách làm, cơ chế và chính sách hỗ trợ cho giai đoạn mới, giai đoạn nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt trên địa bàn huyện Cần Giờ. Ban Chỉ đạo của Huyện ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới đã chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch Chương trình xây dựng nông thôn mới cho nâng chất và kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó, tập trung các tiêu chí phát triển sản xuất, giảm nghèo, cải thiện môi trường…

Những giải pháp hữu hiệu

Tiềm năng du lịch Cần Giờ rất lớn. (Ảnh: UBCG)

Triển khai thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, gắn với chính sách khuyến khích hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố; Ban Chỉ đạo của Huyện ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới tập trung quán triệt và tổ chức triển khai trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; trong đó tập trung các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, hỗ trợ thực hiện hiệu quả tổ chức sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đó là tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị, hiệu quả, chất lượng sản phẩm; nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại,…. Hình thành được các vùng sản xuất tập trung đối với các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của huyện, mang lại hiệu quả kinh tế cao như vùng trồng xoài cát Cần Giờ, vùng nuôi chim yến lấy tổ, vùng nuôi tôm nước lợ, vùng nuôi hàu, vùng nuôi nghêu, vùng nuôi sò huyết, vùng sản xuất giống thủy sản, vùng sản xuất công nghệ cao và vùng sản xuất muối. Cùng với đó là đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất như các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ nhu cầu sản xuất; hệ thống lưới điện được tập trung đầu tư, phát triển; đặc biệt ngành điện đã triển khai hoàn thành dự án cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia về xã Thạnh An cấp điện phục vụ cho hơn 1000 hộ dân ở xã, góp phần đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Huyện cũng triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, trọng tâm hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các hợp tác xã mới thành lập, tổ chức cho các hộ nông dân đưa sản phẩm nông sản Cần Giờ (trái cây, thủy sản) tham gia các hội thi, hội chợ triển lãm trên địa bàn Thành phố và các tỉnh; hướng dẫn các tổ hợp tác, các cơ sở chế biến thủy sản đăng ký kinh doanh, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm tiêu thụ.  Hoàn thành xây dựng và được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu yến sào Cần Giờ và khô cá dứa Cần Giờ…Qua đó, sản xuất nông nghiệp có bước chuyển biến và phát triển; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đã tăng đáng kể so với năm 2015.

Nhằm tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện, hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất, trong thời gian tới, Chi cục Phát triển nông thôn (đơn vị trực tiếp tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã đánh giá Tiêu chí Tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Thành phố) đề xuất Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh và khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như hệ thống điện, thủy lợi, giao thông nội đồng; Khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, mặt nước, sông rạch phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; chính sách xây dựng nông thôn mới; chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố, khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất, kinh doanh; khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp phù hợp với các chương trình cây, con giống trọng điểm của Thành phố, của huyện

Tiếp tục nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, gắn liền với đặc trưng của một huyện nông thôn mới của thành phố, xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch và sản phẩm đặc trưng mang màu sắc bản địa; sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái tận dụng thế mạnh tại địa phương. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển các sản phẩm chế biến từ các đối tượng chủ lực như tôm nước lợi các loại, hàu, yến, cua, muối… và các sản phẩm tự nhiên nhưng không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng phòng hộ (mỗi năm từ 5 -7 sản phẩm). Hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng các điểm giới thiệu, mua bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch và các địa phương để phục vụ du khách; nâng hạng 5 sao cho 3 sản phẩm OCOP. Đồng thời thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư theo hướng phát triển các đối tượng, mô hình sản xuất mới phù hợp với điều kiện đặc thù của huyện và trình độ của người sản xuất./..

PV (t/h)