Các đại biểu tham dự buổi tập huấn. (Ảnh: Web Thành ủy TP Hồ Chí Minh)
Ngày 30/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) về quản lý viện trợ không hoàn lại năm 2022 nhằm phổ biến, cập nhật, nâng cao kiến thức về nghiệp vụ công tác PCPNN về vận động và quản lý viện trợ không hoàn lại cho các cán bộ, công chức, viên chức của TP Hồ Chí Minh.
Trong những năm qua, số lượng các tổ chức PCPNN hoạt động tại Việt Nam đã tăng mạnh. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ với trên 1.000 tổ chức PCPNN, trong đó có khoảng 500 tổ chức đang hoạt động thường xuyên. Hằng năm các tổ chức PCPNN hỗ trợ khoảng 3.000 chương trình, dự án và khoản viện trợ với giá trị viện trợ giải ngân trong hơn 20 năm ước đạt trên 4,3 tỷ đô la Mỹ. Lĩnh vực hoạt động của các tổ chức PCPNN ở Việt Nam chủ yếu là xoá đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả sau chiến tranh, giảm thiểu ảnh hưởng do thiên tai, giáo dục, y tế, cung cấp nước sạch và tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và đào tạo. Chương trình viện trợ của các tổ chức PCPNN đặc biệt tập trung vào những vùng còn nghèo, vùng sâu, vùng xa và ngày càng tập trung hơn vào các lĩnh vực phù hợp với các ưu tiên và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị tập huấn, ông Đỗ Việt Hà, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP cho biết tại TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 130 TCPCPNN được cấp giấy đăng ký hoạt động. Hoạt động của các TCPCPNN tại TP ngày càng tăng, xét trên quy mô viện trợ, cũng như lĩnh vực hoạt động. Trung bình hàng năm TP tiếp nhận trên 30 triệu đô la Mỹ, riêng giai đoạn 2017-2021 là hơn 166,7 triệu đô la Mỹ, chiếm trên 10% tổng giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài của cả nước, được Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN đánh giá là địa phương dẫn đầu về tiếp nhận và sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ PCPNN. Những kết quả trên góp nhần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của TP.
Tuy nhiên, con số trên chưa phản ánh hết tiềm năng của viện trợ PCPNN dành cho TP, cũng như chưa phản ánh được hiệu quả của việc sử dụng nguồn viện trợ này cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo và phát triển của TP. Thực tế hoạt động quản lý nhà nước về tiếp nhận và sử dụng viện trợ PCPNN trên địa bàn TP còn bộc lộ không ít khó khăn, vướng mắc như: một số cơ quan, đơn vị còn thụ động trong việc xây dựng nhu cầu vận động viện trợ; việc quản lý và sử dụng nguồn vốn tài trợ chưa hiệu quả; một số quy định còn bất cập; việc thực hiện thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt còn chậm trễ dẫn đến việc triển khai thực hiện các dự án chậm tiến độ, chưa khai thác hết tiềm lực của các tổ chức PCPNN…
Tại Hội nghị, bà Nông Thị Hồng Hạnh (Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã chia sẻ những điểm mới, điểm cần chú ý trong Nghị định 80/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 17/9/2020, về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam. Theo đó, Nghị định quy định chi tiết về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho các cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam nhằm mục đích phát triển kinh tế, xã hội, hỗ trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, thương mại.
Các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm các chuyên đề về những thông tin cập nhật liên quan đến những quy định về tiếp nhận và sử dụng viện trợ PCPNN, những vấn đề cần lưu ý về an ninh trong hợp tác với các tổ chức PCPNN và một số kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng và trình phê duyệt các dự án PCPNN…
Qua nội dung của buổi tập huấn, đã giúp các cán bộ làm công tác PCPNN hiểu rõ hơn về các quy trình tiếp nhận, cũng như các kĩ năng vận động viện trợ các tổ chức PCPNN. Qua đó, giúp các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác xúc tiến vận động viện trợ PCPNN trong thời gian tới, góp phần ngày càng cải thiện và nâng cao đời sống người dân TP./..