Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi họp (Ảnh: thanhuytphcm))


Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy Thủ Đức.

Về kế hoạch của Thành ủy Thủ Đức về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với giữ gìn và phát huy đặc trưng văn hóa của thành phố Thủ Đức, đồng chí Kiều Ngọc Vũ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức, cho rằng, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện tình cảm sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân TP Thủ Đức, nội dung xây dựng không gian văn hóa phải bắt đầu từ các chi bộ, chi đoàn, chi hội, từ các tổ chức, kể cả doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn. Phạm vi xây dựng không gian văn hóa phù hợp với các tầng lớp nhân dân, thể hiện nét đặc trưng văn hóa, hình ảnh TPHCM, TP Thủ Đức trong mỗi người dân.

Theo đó, TP Thủ Đức sẽ chọn một số chi bộ, đảng bộ, một số điểm trường làm điểm xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Liên kết tổ chức mô hình đường sách và phát triển văn hóa đọc sách với đa dạng loại sách, nguồn sách, tác giả, tác phẩm…, qua đó lan tỏa thói quen đọc sách, tạo hiệu ứng tích cực để đưa việc giới thiệu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu; đồng thời, rà soát, hoàn thiện các thể chế văn hóa của TP Thủ Đức và các phường, các không gian mở ở nhiều khu vực, lĩnh vực khác nhau trên địa bàn làm cơ sở cho việc kiến tạo không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP Thủ Đức trong tương lai.

Góp ý tại hội nghị, PGS.TS. Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn hóa TPHCM, cho rằng, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP Thủ Đức cần huy động rất nhiều nguồn lực, đặc biệt là trí lực. Có thể huy động sự sáng tạo của cộng đồng trong và ngoài nước bằng các cuộc thi để có nhiều ý tưởng độc đáo, riêng biệt cho TP. Theo đồng chí Lâm Nhân, yếu tố hình thành nên không gian văn hóa có con người, môi trường, thiết chế và các hoạt động. Muốn xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải có con người thấm nhuần tư tưởng của Bác, do đó, không thể thực hiện một sớm một chiều, xây dựng văn hóa phải có một quá trình, phải biết kết nối quá khứ, chú trọng kết nối thiết chế văn hóa truyền thống với không gian văn hóa mới sẽ xây dựng sắp tới; song song với đẩy mạnh tuyên truyền một cách xuyên suốt, thường xuyên để người dân hiểu và hành động, từng bước thấm nhuần.

ThS. Lê Văn Duẩn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ Thuật TPHCM, cho rằng, Thủ Đức đã xác định được địa điểm để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Song, nếu chỉ xây dựng không gian văn hóa trong trường học, tại các chi bộ hoặc các doanh nghiệp dễ dẫn đến tình trạng xây dựng không gian văn hóa xong nhưng người dân không được hưởng thụ thì tính lan tỏa rất khó; do đó, cần tập trung xây dựng không gian văn hóa ở các khu phố, khu dân cư để người dân dễ tiếp cận.

Theo đồng chí Phạm Phương Thảo, cần có giải pháp để người dân tham gia, cùng làm nên những không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ ở khu phố, bệnh viện, trường học… Khi người dân làm thì họ sẽ gìn giữ, phát huy và từ đó sẽ lan tỏa trong khu dân cư, thẩm thấu trong từng người dân. Đồng chí nhấn mạnh, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh rất cần thiết phải gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.



Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Thành ủy Thủ Đức đã ban hành dự thảo kế hoạch triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Trong thời gian qua, tuy không mang tên gọi là “không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, nhưng các đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để hiểu, nhận thức và cụ thể hóa không gian văn hóa Hồ Chí Minh, yếu tố văn hóa là yếu tố lâu dài và bền vững, mang tính tiêu biểu của TP Thủ Đức, hội nghị mong muốn nghe góp ý để nội dung đề ra đi vào thực tế hiệu quả. Kế hoạch đã xác định thực hiện xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2022 đến 2025. Đồng thời, Thành ủy Thủ Đức đã xác định mục đích của việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng của vùng đất Thủ Đức, giữ gìn một di sản văn hóa phi vật thể - địa danh lâu đời quen thuộc và có giá trị lịch sử đối với vùng đất Gia Định xưa, với nhiều di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật ở Thủ Đức đã được xếp hạng quốc gia và nhiều di tích cấp TPHCM; là bước đột phá về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.

 

Minh Hiệp