Làm mới sản phẩm nội thành
Từ sau khi Thành phố Hồ Chí Minh triển khai mở cửa từng bước các hoạt động sản xuất kinh doanh và hướng đến mục tiêu "Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", ngành Du lịch đã trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong đóng góp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Thống kê chỉ trong những tháng cuối năm 2021, nhất là giai đoạn chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho phép mở cửa hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành Du lịch Thành phố đã tung ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ mang tính chiến lược và phục vụ cho mục tiêu khẩn trương phục hồi, phát triển ngành. Qua đó, thị trường du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã khoác lên "chiếc áo mới" với nhiều sản phẩm, dịch vụ truyền thống được làm mới cũng như những sản phẩm, dịch vụ mới được đầu tư kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn góp phần tạo sức hút du khách.
Trên cơ sở những tiềm năng sẵn có, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy liên kết cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin, tiện ích du lịch của du khách khi đến Thành phố. Song song đó, ứng dụng tiện ích du lịch “HoChiMinhCity Tourism” do Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần truyền thông Onicorn (Onicorn Media) đồng hành phát triển, giúp người dùng có thể dễ dàng tiếp cận ứng dụng “HoChiMinhCity Tourism” bằng thiết bị thông minh trên cả hai hệ điều hành Android và iOS. Ứng dụng này, còn mang lại tiện ích thông minh giúp tăng cường sự tương tác, cá nhân hóa trải nghiệm của du khách trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu thông tin về điểm đến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Du khách trải nghiệm cảnh đẹp ở các điểm đến như Thạnh An, Thiềng Liềng, Vàm Sát...
tại huyện Cần Giờ bằng xe đạp. (Ảnh: Mỹ Phương)
Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh còn tổ chức "Cuộc vận động hiến kế khôi phục du lịch Thành phố Hồ Chí Minh" và "Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo du lịch năm 2021" diễn ra từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2022. Đây là những giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu khơi gợi sự sáng tạo của cộng đồng trong việc đề xuất những ý tưởng, giải pháp hợp lý, đổi mới sáng tạo khôi phục và phát triển du lịch theo hướng phù hợp điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19.
Đặc biệt, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, tạo cơ hội hợp tác, liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp và địa phương; huy động nguồn lực tham gia quá trình liên kết phát triển du lịch trong thời gian tới. Về thị trường khách quốc tế, các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang sẵn sàng, chuẩn bị những điều kiện an toàn có thể tham gia đón khách quốc tế trở lại Thành phố.
Khẳng định vị trí hạt nhân liên kết
Du lịch không chỉ là ngành mang tính tổng hợp mà còn đòi hỏi tính liên kết rất cao nên khi phục hồi, phát triển du lịch kéo theo nhiều ngành liên ngành khác. Du lịch của một địa phương phục hồi, phát triển kéo theo nhiều tỉnh, thành lân cận và trong khu vực kích cầu thị trường hơn. Trên cơ sở này, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực thực hiện kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm, du lịch liên vùng và từng bước khẳng định vị thế đầu tàu, hạt nhân trong quá trình phát triển của mình.
Tiếp nối các hoạt động du lịch nội vùng, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng đồng hành cùng nhiều địa phương trong công tác xúc tiến, phục hồi và phát triển du lịch. Trong đó, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu... để thí điểm sản phẩm tour du lịch theo hình thức khép kín. Ngành Du lịch Thành phố chủ động đồng hành cùng nhiều địa phương phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng, nâng cao giá trị cạnh tranh của du lịch nội địa, huy động nguồn lực và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả kích cầu du lịch.
Cụ thể, chương trình du lịch liên tỉnh đầu tiên giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh mang đến nhiều cảm xúc cho lực lượng y bác sĩ tuyến đầu khi được tham quan những địa chỉ đỏ, địa danh nổi tiếng của hai địa phương. Chương trình cho thấy những tín hiệu khả quan về sự phục hồi của du lịch, khơi dậy tâm lý phấn khởi cho nhân dân sau thời gian dài giãn cách xã hội, góp phần thúc đẩy nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội khác cùng phục hồi và phát triển.
Nhiều doanh nghiệp du lịch chủ động vượt khó, liên kết hợp tác, chuẩn bị nguồn lực tái hoạt động; xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ nhau, làm mới hoặc bổ sung giá trị gia tăng cho sản phẩm; tích cực tham gia chương trình kích cầu và truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch. Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện rà soát, tổ chức lại mạng lưới điểm tham quan, tuyến phố, cơ sở dịch vụ lưu trú, mua sắm, ăn uống… theo hướng đảm bảo an toàn, chất lượng, lấy sự hài lòng của du khách làm tiêu chí hoàn thiện.
Cụ thể, ngành Du lịch nhiều địa phương phối hợp với ngành hàng không, đường sắt, xúc tiến liên kết các tỉnh, thành trong cả nước. Một số tỉnh, thành phố chuẩn bị nguồn lực, phương án... nhằm khôi phục du lịch tại địa phương, góp phần vào phát triển chung.
Hầu hết các tỉnh, thành phố đều cam kết tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong phục hồi du lịch, bảo đảm chất lượng khu du lịch, hướng tới bảo đảm an toàn cho du khách, an toàn cho dân cư. Trong đó, chủ trương liên kết du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai từ rất sớm, nâng lên cấp độ vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long được hiện thực hóa từ năm 2019 đến nay.
Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế là cửa ngõ, đầu mối giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế trên các phương diện gồm đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Ngoài lợi thế về hạ tầng giao thông, Thành phố Hồ Chí Minh còn sở hữu mạng lưới cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành và đội ngũ nhân sự hoạt động trong lĩnh vực này. Những lợi thế này có ý nghĩa rất lớn trong việc liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long có thể tăng cường mở rộng xây dựng, chào bán sản phẩm liên tuyến, liên vùng (vùng xanh) dựa trên lợi thế sẵn có của từng địa phương. Điển hình, ngoài những chương trình du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố, ngành Du lịch trở thành cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp để tổ chức thêm chương trình du lịch kết nối giữa Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kích thích nhu cầu đi du lịch và giải trí của du khách.
Tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số
Cùng với kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch theo từng giai đoạn cụ thể, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tập trung ứng dụng công nghệ, số hóa để đảm bảo chủ trương của Chính phủ là "Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Đặc biệt, hoạt động công nghệ hóa hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố không chỉ có chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh mà còn có sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Công ty Ảnh Việt Hop on Hopoff VN đã ứng dụng thành công nhiều giải pháp công nghệ hiện đại vào phục vụ tuyến xe buýt vòng quanh Thành phố Hồ Chí Minh đạt 10/10 tiêu chí an toàn. (Ảnh: Mỹ Phương)
Trên cơ sở Chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy sự nỗ lực không ngừng trong tăng cường chuyển đổi số và cụ thể giải pháp du lịch thông minh.
Với nỗ lực tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số trong du lịch và thực hiện đa dạng giải pháp du lịch thông minh, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã ra mắt phiên bản mới của website quảng bá và xúc tiến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Visithcmc.vn, cho phép người dùng có thể tương tác ảo và khám phá thông tin về mạng lưới điểm du lịch.
Trang Visithcmc.vn được thiết kế với giao diện hiện đại, thân thiện với người dùng, tương thích trên mọi thiết bị từ máy tính đến thiết bị di động thông minh. Điểm nổi bật ở phiên bản Visithcmc.vn mới, chính là sự kết hợp các yếu tố tương tác đa phương tiện như văn bản, đồ họa, video... Trong đó, hệ thống bản đồ du lịch tương tác 360 độ, cung cấp cho du khách thông tin và hình ảnh sống động về điểm đến, mang lại những trải nghiệm du lịch chân thật ngay cả khi du khách chưa đặt chân đến Thành phố Hồ Chí Minh. Du khách còn có thể chủ động tương tác, chia sẻ những hình ảnh sống động và đáng nhớ từ chuyến đi của mình thông qua phong phú thông tin đăng mạng xã hội có đính kèm hashtag #VibrantHoChiMinhCity. Đây cũng là lần đầu tiên Visithcmc.vn cho phép người dùng tải về những cẩm nang du lịch hoàn toàn miễn phí. Phiên bản mới của Visithcmc.vn được đánh giá là một phần quan trọng trong chiến lược truyền thông của du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025.
Tương tự, Traveloka Việt Nam cũng đồng hành cùng ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong chuyển đổi số giai đoạn năm 2021-2025. Hai bên phối hợp thúc đẩy phát triển du lịch "không chạm" và những chiến dịch giới thiệu sản phẩm du lịch đến với khách du lịch trong và ngoài nước; thực hiện chiến dịch marketing, sản xuất clip và ấn phẩm tiếp thị mạng lưới điểm đến tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Còn đại diện Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch và thương mại TST Tourist cho biết, việc mở ra cơ hội cho doanh nghiệp ngành Du lịch tiếp cận lượng lớn khách hàng tiềm năng trên nền tảng thương mại điện tử là vấn đề cấp bách trong giai đoạn "phá băng" thị trường du lịch. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại trong thanh toán, giao nhận... không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng doanh số bán tour, kích thích nhu cầu đi du lịch vui chơi, giải trí của khách hàng, mà còn mang lại tiện ích cho du khách./.