|
UBND TP Hồ Chí Minh và ĐHQG-HCM ký kết hợp tác giai đoạn 2022-2025. (Ảnh:Lê Hoài) |
Hợp tác giải quyết các vấn đề của Thành phố
ĐHQG-HCM đã hợp tác với TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều chương trình, dự án nghiên cứu khoa học trọng điểm tập trung giải quyết những vấn đề “nóng”, bức thiết của Thành phố như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố; chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm ô nhiễm môi trường và hợp tác phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ.
Trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, giai đoạn 2016-2020, ĐHQG-HCM đã đào tạo và cung cấp cho Thành phố và các tỉnh phía Nam hơn 60.000 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ. Đây là đội ngũ trí thức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao, tham gia tích cực vào việc xây dựng và phát triển Thành phố nói riêng và các tỉnh Nam bộ nói chung.
Tại Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh 2018 diễn ra vào cuối tháng 11/2018, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã nêu ý tưởng xây dựng khu phía Đông thành phố trở thành khu đô thị sáng tạo. Đây sẽ là hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Khu đô thị sáng tạo phía Đông dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu Công nghệ cao, ĐHQG-HCM và Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, ĐHQG-HCM được xác định là “trung tâm tri thức” - một trong ba hạt nhân của thành phố sáng tạo phía Đông, nơi hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao.
Tiếp nối chuỗi hợp tác đó, ngày 2/7/2022, ĐHQG-HCM và TP Hồ Chí Minh tiếp tục ký kết nhiều nội dung hợp tác quan trọng cho giai đoạn 2022-2025 với 4 lĩnh vực chính: Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh; Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; và Phát triển hạ tầng Khu Đô thị ĐHQG-HCM.
Theo đó, ĐHQG-HCM sẽ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế cho TP Hồ Chí Minh, phục vụ lộ trình chuyển đổi số. Nguồn nhân lực này thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông, AI, quản lý đô thị, cơ khí - tự động hóa, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch.
ĐHQG-HCM cũng tham gia Đề án Đại học chia sẻ theo yêu cầu của UBND TP Hồ Chí Minh nhằm bồi dưỡng kiến thức, năng lực lãnh đạo, quản trị tiên tiến, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ của TP Hồ Chí Minh.
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh, ĐHQG-HCM sẽ tham gia công tác tư vấn, phối hợp nghiên cứu chiến lược, chính sách, đề xuất mô hình, cơ chế, giải pháp. Các lĩnh vực được tập trung gồm kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao. UBND TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ và phối hợp ĐHQG-HCM về công tác phục vụ cộng đồng, liên kết hợp tác ĐHQG-HCM - doanh nghiệp - địa phương.
Cùng Thành phố tham gia thực hiện Nghị quyết 31
Ngày 16/1/2023, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị là nghị quyết có tính lịch sử, tạo ra bước ngoặt mới cho TP Hồ Chí Minh.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 31, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo nghiên cứu, phổ biến, quán triệt chương trình hành động cụ thể. Trong đó, ĐHQG-HCM sẽ tham gia cùng TP Hồ Chí Minh thực hiện mục tiêu đến năm 2030: “TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP”.
Về khoa học công nghệ, ĐHQG-HCM tham gia xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo mang tầm quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ.
Về giáo dục - đào tạo, ĐHQG-HCM tích cực đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm đại học hàng đầu châu Á.
Với quan điểm và mục tiêu đã nêu, Nghị quyết 31 được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững, mở đường cho thành phố ban hành các chính sách vượt trội, phát huy tính năng động, sáng tạo.
Hợp tác cùng phát triển
Trên cơ sở đó, tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình hợp tác giữa ĐHQG-HCM và UBND TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025 diễn ra vào chiều 15/3/2023, tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM, hai bên đã báo cáo kết quả chương trình hợp tác năm 2022 và tiếp tục đề ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Theo đó, dự kiến Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo của ĐHQG-HCM sẽ hoàn thành và được phê duyệt, khi đó, đây sẽ là đơn vị thuộc chuỗi Trung tâm Đổi mới sáng tạo cấp quốc gia phục vụ cho TP Hồ Chí Minh. Về nghiên cứu chiến lược, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh, có các nội dung, gồm: Đề xuất mô hình thị trường trong tổ chức chính quyền đô thị ở một số quốc gia và kiến nghị cho TP Hồ Chí Minh; Đề xuất cơ chế, chính sách ưu tiên cho nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo; Xây dựng Đề án mô hình cơ chế hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo.
Hai bên sẽ phối hợp thực hiện nhiệm vụ KH&CN trọng điểm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của Thành phố, triển khai “Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025”. Các nhiệm vụ khác xoay quanh nội dung về đào tạo, bồi dưỡng phát hiện nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng ĐHQG-HCM,…
Phát biểu tổng kết, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định: “TP Hồ Chí Minh luôn xem ĐHQG-HCM là một phần hữu cơ không thể tách rời trong sự tồn tại và phát triển của Thành phố. Và trên thực tế, ĐHQG-HCM đóng góp rất nhiều cho sự phát triển chung”.
Việc hợp tác giữa ĐHQG-HCM và TP Hồ Chí Minh là chủ trương xuyên suốt của lãnh đạo hai đơn vị. Đây sẽ là điều kiện quan trọng góp phần thúc đẩy Thành phố trở thành địa phương tiêu biểu của cả nước trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng./.