Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: https://hcmcpv.org.vn)

Chiều 9-6, UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ TP tổ chức Hội thảo phát huy vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP.

Hội thảo nhằm hướng đến các mục tiêu: Định hướng cho Doanh nghiệp, Trường, Viện phát huy đầy đủ vai trò của khoa học và công nghệ, hướng đến hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, tổ chức xuất sắc tập trung phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 430/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban Nhân dân TP. Đồng thời, đẩy mạnh vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng các chính sách phát triển kinh tế, xã hội TP. Cũng như, phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ TP trong thời kỳ chuyển đổi số.

Tham dự Hội thảo gồm đại diện các Sở, ban, ngành; Trường Đại học, cao đẳng; Doanh nghiệp, Viện, Trung tâm nghiên cứu; chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP giai đoạn 2021-2025.

Hội thảo trình bày 3 tham luận gồm các chủ đề: (1) “Khoa học và công nghệ tham gia vào xây dựng các chính sách phát triển kinh tế, xã hội Thành phố” của PGS.TS. Nguyễn Trọng Hoài - Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. (2) “Vai trò của KH&CN ứng dụng phát triển doanh nghiệp” của TS. Bùi Thanh Luân - Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát, Giảng viên Trường Đại học Bách Khoa. (3) “Phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ TP trong thời kỳ chuyển đổi số” của TS. Trương Minh Huy Vũ - Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh.

Cũng tại Hội thảo, Ban tổ chức tập trung làm rõ các vấn đề như: Vai trò của khoa học và công nghệ ứng dụng phát triển doanh nghiệp; Khoa học và công nghệ tham gia vào xây dựng các chính sách phát triển kinh tế, xã hội Thành phố; Tầm quan trọng của tiềm lực khoa học và công nghệ Thành phố trong thời kỳ chuyển đổi số, những khó khăn, vướng mắc để tập trung phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm xuất sắc.

Giai đoạn 2012 - 2021, hoạt động khoa học và công nghệ TP Hồ Chí Minh đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Cơ cấu kinh tế TP chuyển biến tích cực, dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao đã làm nền tảng cho sự phát triển TP. Chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn tăng và ở mức cao trong giai đoạn 2011 - 2020, đạt trung bình 35,62%, trong đó đóng góp của khoa học công nghệ vào tăng trưởng TFP là 74%.

Tại TP Hồ Chí Minh, 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng KH-CN chiếm tỉ trọng cao là: cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa, cao su và chế biến tinh lương thực thực phẩm đang tăng dần qua các năm. Ngoài ra, ngành nông nghiệp TP đang chuyển dần sang nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây, giống con và các sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị sản xuất tập trung có năng suất cao.

Trong thời gian tới, TP tiếp tục phấn đấu giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Để đạt được mục tiêu này, cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực nêu trên. 

Để phát huy vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, TP cần kiến tạo hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi và phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hiện hữu theo hướng tiếp cận hiệu quả, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số và kinh tế số. Cùng với đó là từng bước tái cấu trúc các khu công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp có vị trí gần trung tâm theo hướng khu công nghiệp sinh thái. Đối với các khu công nghiệp hiện hữu trong vùng phải được bổ sung các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và có lộ trình chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh, từng bước hình thành mạng lưới cộng sinh công nghiệp theo cơ chế tuần hoàn.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố ngày càng lớn mạnh và đang tiến gần đến “Top” 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu theo bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các quốc gia năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.

Trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh tiếp tục phấn đấu giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, TP cần tập trung phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong việc phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng.

Theo đồng chí Nguyễn Hồ Hải, để đạt được mục tiêu này, TP sẽ đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực có ưu tiên như công nghệ xanh, trí tuệ nhân tạo và IoT. Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi để chuyển giao công nghệ từ các trung tâm nghiên cứu sang doanh nghiệp, từ ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm và dịch vụ thực tế.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho biết, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên ban hành kế hoạch chương trình thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, gắn kết hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa. Tuy nhiên, các cơ chế hiện nay chưa đồng bộ, chính sách, tài chính còn nhiều bất cập khiến cho việc đầu tư cho khoa học, công nghệ chưa tương xứng. Do vậy, TP phải đưa ra giải pháp để xây dựng hoàn thành các trung tâm nghiên cứu thuộc các ngành trọng điểm của thành phố, lĩnh vực khoa học cơ bản, giáo dục và xây dựng chính sách; thực hiện chương trình chính sách khoa học, công nghệ; tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp, trường, viện và Nhà nước.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài (Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), khoa học cộng nghệ phải đi vào công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của TP cần nâng cao năng khả năng cạnh tranh qua các hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) khoa học công nghệ. TP Hồ Chí Minh phải trở thành không gian khoa học công nghệ kết nối vùng và có khả năng cạnh tranh với các đô thị khác trong khu vực.

Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Bùi Thanh Luân, giảng viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), khoa học và công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp. Một số vai trò chủ yếu của khoa học và công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực doanh nghiệp, như: Tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới; tăng cường hiệu suất và hiệu quả; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường; tăng cường khả năng nghiên cứu và phát triển; cải thiện quy trình quản lý và vận hành; đổi mới và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ và sáng tạo để thành công trong môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày nay.

Đưa ra ý kiến của mình, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần đổi mới cơ chế quản lý, đa dạng hóa đầu tư và cơ chế tài chính; phát triển khung pháp lý cho thị trường và nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cần phát triển nguồn nhân lực trình độ quốc tế trong nước và thu hút lực lượng nghiên cứu khoa học nước ngoài.

Cùng quan điểm trên, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát Bùi Thanh Luân cho rằng, các doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện nay rất cần có một khu công nghiệp, một cụm công nghiệp hay là một khu tập trung để có thể được hỗ trợ về mặt bằng. Bên cạnh sự hỗ trợ từ nhà nước, doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, công nghệ và sáng tạo để tiếp tục phát triển để thành công trong môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày nay./.

 

Bài: Chi Mai