07:54 22/02/2023
print  

Đội ngũ tri thức đã đóng góp rất lớn trong tiến trình phát triển của TP

(ĐCSVN) - Chiều 21/2, Đoàn khảo sát 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 27-NQ/TW làm trưởng Đoàn.


Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 27-NQ/TW phát biểu tại buổi làm việc.

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP…

Hiện nay, hệ thống cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố có đội ngũ tri thức tương đối đông, có trình độ chuyên môn ngày càng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị cũng như góp phần quan trọng vào sự phát triển của Thành phố. Quy mô phát triển giáo dục các bậc học của Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng, số lượng; số cán bộ, giáo viên đạt chuẩn ngày càng cao…

15 năm qua các cấp ủy, lãnh đạo các tổ chức, đơn vị các cấp có sự quan tâm sâu sát đối với công tác xây dựng đội ngũ tri trí thức nói chung và những nhiệm vụ cụ thể phù hợp với đặc thù địa phương, cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển đội ngũ trí thức; xem đây là khâu đột phá chiến lược, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế- xã hội.

Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức báo cáo tại buổi làm việc.

Báo cáo tóm tắt những kết quả thực hiện Nghị quyết do đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: TP Hồ Chí Minh có 21.210 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong đó gồm 188 giáo sư, 1.116 phó giáo sư trong tổng số 6.870 tiến sĩ. TP hiện có 371 tổ chức khoa học và công nghệ; 109 trường đại học, cao đẳng; 78 viện nghiên cứu; 279 phòng thí nghiệm về các lĩnh vực hóa, sinh học, xây dựng y tế, cơ, dược, điện- điện tử. Trong đó có 167 phòng thí nghiệm được công nhận BoA.

Việc thực hiện chế độ công vụ, công chức đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP gắn với thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội, đặc biệt tạo bước phát triển mới trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Một số đề án, chương trình đột phá đã được nghiên cứu xây dựng như các đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; quy chế thu hút đội ngũ chuyên gia, các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức… tạo sự đồng thuận chung của toàn hệ thống chính trị. TP từng bước hoàn thiện môi trường, điều kiện hoạt động của trí thức, thực hiện tốt chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, thu hút nguồn nhân tài, triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển KH&CN, văn hóa- văn nghệ. Quy chế thu hút chuyên gia được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả bước đầu; chính sách sử dụng và phát huy nguồn chất xám khoa học từng bước tạo sự chủ động cho đơn vị cũng như củng cố niềm tin, tạo động lực cho các chuyên gia yên tâm công tác.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ một số kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết.

Đồng chí Dương Anh Đức khẳng định, đội ngũ KH&CN đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề thực tiễn; tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước./..

Tuy nhiên, báo cũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện Nghị quyết tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn hạn chế như hính sách thu hút phát triển nguồn nhân lực từ đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tuy được quan tâm, triển khai thực hiện nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi. Số lượng chuyên gia nhà khoa học đã và đang làm việc có số lượng rất hạn chế và mới chỉ tập trung vào một số ngành nghiên cứu trên phạm vi hẹp.

Công tác kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với hệ thống các viện nghiên cứu, trưởng đại học, tổ chức khoa học trong và ngoài nước cùng mạng lưới các hội, hiệp hội chuyên ngành còn hạn chế.

Các đại biểu chia sẻ giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức trong thời kỳ hiện đại hóa đất nước.

Tại  buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về hiệu quả trong quá trình thực hiện Nghị quyết 27 tại TP Hồ Chí Minh trong từng lĩnh vực cụ thể, trong đó nhấn mạnh một số lĩnh vực đặc biệt như y tế, văn học nghệ thuật; Những mô hình mới hiệu quả cao trong thực tế trên địa bàn thành phố; Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết, những kiến nghị, giải pháp để hoàn thiện hơn trong thời gian tới…

Theo TS Lê Thị Ngọc Điệp - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP cho biết Nghị định 50 ngày 2/8/2022 qui định tuổi nghỉ hưu đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định 165 về học phí đối với cơ sở giáo dục đào tạo công lập năm 2022 - 2023 đang gây nhiều trở ngại cho các đơn vị giáo dục công lập.

“Hai nghị định này làm cho các  trường công lập yếu thế trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Bản thân trường Đại học KHXH - NV đang đào tạo những ngành khoa học cơ bản, ngành khó tuyển như ngành văn học, Hán Nôm, ngữ văn Nga… chúng ta vẫn phải đang giữ. Hai nghị định đang gây khó khăn và trở ngại lớn” – TS Lê Thị Ngọc Diệp cho hay. 

Nêu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng cho biết: trong hai năm 2020, 2021, dịch bệnh tác động lớn đến TP và sau dịch ngành y cũng có những tác động nghiêm trọng. Trong đó, việc nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc làm cho y tế cơ sở vốn thiếu thốn nhân lực thì càng thiếu nhiều hơn.

Các đại biểu chia sẻ khó khăn trong thực hiện Nghị quyết tại buổi làm việc

Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho rằng “ Thông tư 36 chỉ giải quyết vấn đề đào tạo cho đội ngũ công chức, trong khi ngành y tế rất nhiều đơn vị sự nghiệp đang có nhiều viên chức, khi đào tạo bồi dưỡng kinh phí này sử dụng từ nguồn của đơn vị có nhiều bất tiện. Sở cũng tham mưu, đề xuất UBND TP vận dụng Nghị quyết 31, Sở sẽ đề xuất kinh phí đào tạo cho đội ngũ viên chức, góp phần có đủ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lực ngành y tế TP”.

 Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết TP Hồ Chí Minh luôn xác định phát triển của TP phải dựa trên nền tảng trí thức. Và lực lượng trí thức là một lực lượng rất quan trọng cho sự phát triển của TP. Sắp tới, TP sẽ tập trung xây dựng, phát huy đội ngũ trí thức gắn với các mục tiêu phát triển TP.

Cụ thể, TP sẽ tập trung xây dựng, phát huy đội ngũ trí thức từ việc đề ra chương trình đột phá, chương trình trọng điểm thông qua các chương trình, đề án cụ thể, huy động đội ngũ trí thức tham gia vào thực hiện. TP sẽ đảm bảo cho đội ngũ trí thức tham gia một hệ cơ chế chính sách, trong đó tập trung vào chính sách ưu đãi về lương, chế độ nhà ở… TP cũng sẽ nghiên cứu có hình thức tôn vinh trí thức kịp thời.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trung tướng Trịnh Văn Quyết khẳng định: đội ngũ tri thức đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học và đóng góp rất lớn trong tiến trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước.

Trung tướng Trịnh Văn Quyết đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu và TP đã triển khai quyết liệt và đạt những kết quả quan trọng. TP đã có nhiều vấn đề đột phá. Nhưng ý kiến tại buổi làm việc sẽ được Ban Chỉ đạo tiếp thu, nghiên cứu sâu sắc thêm để dẫn chứng bổ sung vào dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 27 của Trung ương.

An Nhiên